Trưa ngày 14/8, cây cầu Morandi, nằm trên tuyến cao tốc nối Italy với Pháp, đã bất ngờ đổ sập một đoạn dài khoảng 200 mét trong cơn bão dữ dội. Các nhân chứng cho biết vài giây trước khi cầu Morandi sập, nó bị sét đánh trúng. Tuy nhiên, các chuyên gia xây dựng đã bác giả thuyết này.
“Không thể do sét đánh. Tôi không thấy lý do nào điều này có thể vì đó là cầu bê tông cốt thép, và chắc chắn chuyện này chưa từng xảy ra”, ông Agathoklis Giaralis, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cấu trúc công trình dân dụng thuộc Đại học London phát biểu.
Ông Giaralis cho rằng, cây cầu được hoàn tất từ năm 1967 này chắc hẳn phải có lỗi trong xây dựng, nhiều khả năng ở phần nền móng, hoặc đã bị ăn mòn mạnh ở những phần kết cấu kim loại.
“Để khiến một cây cầu bị sập phải có những lỗi nghiêm trọng, nhưng không được phát hiện ra trong quá trình bảo dưỡng, kiểm tra”, ông nói.
Ông Giaralis còn cho hay những phần kim loại, đặc biệt là dây cáp của một cây cầu như cầu Morandi là phần yếu nhất. Tuy nhiên, cầu Morandi bị sập không phải do phần này – điều đó chứng tỏ vụ việc xuất phát từ những vấn đề nghiêm trọng hơn ở bên trong cây cầu, chuyên gia này nhận định.
"Thông thường, những cây cầu như cầu Morandi có thể sập do kim loại bị ăn mòn và đó là một quá trình kéo dài hàng thập kỷ. Thật bất thường khi một vấn đề nào đó có thể gây sập toàn diện lại bị bỏ sót" – ông Giaralis bình luận, đồng thời nói thêm rằng khả năng cao nhất là cầu sập do lỗi cấu trúc ở nền móng hoặc vùng chịu tải.
Một số ý kiến trước đó cho rằng cây cầu sập do xe cộ quá đông đúc trong bối cảnh trời gió bão. Tuy nhiên, chuyên gia Giaralis cũng bác ý kiến này, nói rằng đó không phải là vấn đề đối với một cây cầu chất lượng, đặc biệt là khi nó vừa được tu sửa vào năm 2016.
Năm 2016, ông Antonia Brencich, Giáo sư Công trình dân dụng tại Đại học Genoa từng cảnh báo: “Có nhiều lỗi với cây cầu này. Sớm hay muộn nó cũng phải được thay thế. Tôi chỉ không biết khi nào”.
Video khoảnh khắc cầu Morandi sập trong bão:
6
Trong một bài báo đăng trên tờ Il Tempo (Italy), Giáo sư Brncich cho rằng các vấn đề với cây cầu Morandi có tình trạng cấu trúc "không đồng đều", và chi phí bảo dưỡng cầu Morandi "cao đến mức sẽ rẻ hơn nếu xây cầu mới".
Vào tháng 12-2016, tờ Il Secolo XIX (Italy) cũng khẳng định chi phí bảo dưỡng cầu trong khu vực bị thiếu do giới chức "muốn chi nhiều tiền hơn vào các công trình mới". Tờ này còn cáo buộc giới chức khu vực Liguria chỉ tiến hành bảo dưỡng cầu khi các vấn đề của chúng đã hiện rõ.
Thảm họa sập cầu Morandi đã khiến thế giới bàng hoàng tuy nhiên, theo tờ Daily Mail, từ nhiều năm qua, cư dân địa phương đã lo ngại nguy cơ xảy ra thảm họa này và họ luôn "nín thở" mỗi khi qua cầu.
"Tình trạng của cây cầu này khiến chúng tôi lo ngại. Ai cũng lo sợ và cầu nguyện cầu đừng sập mỗi khi đi qua. Hôm nay, điều đó đã xảy ra" – Elizabeth, cư dân Genoa, chia sẻ.
Sau thảm kịch còn xuất hiện những lo ngại rằng hoạt động của mafia Italy có thể dẫn đến vụ sập cầu, do các công ty xây dựng do mafia kiểm soát liên quan đến hoạt động bảo dưỡng, trong đó có việc tôn nền móng cầu.
“Các công ty liên quan tới mafia được cho là đã thâm nhập vào ngành công nghiệp xi măng và tái thiết trong nhiều thập kỷ qua, các công tố viên từng cáo buộc họ xây dựng những công trình kém chất lượng, không thể chịu được áp lực lớn”, tờ Globe and Mail (Canada) viết. “Mafia khét tiếng trong việc giành được các hợp đồng tái thiết sau động đất”.
Ông Franco Roberti, từng lãnh đạo lực lượng chống mafia của Italy, hồi năm 2016 từng phát biểu rằng, các công ty liên quan tới mafia không nên được phép tham gia các hoạt động tái thiết sau động đất.