Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: EPA/TTXVN |
Giáo sư Atef Abdel Jawad, giảng viên Đại học George Washington, đã có bình luận về lập trường của Mỹ liên quan tới khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.
"Thứ nhất, Mỹ luôn nói rằng cuộc khủng hoảng song phương giữa bất kỳ hai nước nào cũng liên quan trước hết đến chính những nước đó. Mỹ không can thiệp vào quan hệ song phương. Trong tình huống với Qatar đó là vấn đề nội bộ với Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập và UAE.
Tuy nhiên, khía cạnh là thứ hai là thứ hai là “Mỹ không hài lòng với liên hệ của Qatar với các tổ chức khủng bố và những nhà tài trợ của chúng".
Theo nhà khoa học chính trị này, lập trường của Qatar đi ngược với nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ví dụ, truyền hình quốc gia Qatar mời những nhân vật hô hào mong cái chết đến với các tín đồ Cơ đốc giáo. Tại Qatar có những người gửi tiền cho al Qaeda. Mà “chúng ta đều biết Mỹ cảm thấy thế nào về những người ủng hộ và tài trợ cho al-Qaeda”.
Ông Abdel Jawad nhắc lại vào thời điểm năm 2015, Ngoại trưởng Mỹ khi đó John Kerry đã phàn nàn về việc Qatar tài trợ cho các tổ chức khủng bố. Từ đó có thể xác định được lập trường của Mỹ.
“Hiện nay ở Mỹ đang có những lời kêu gọi đưa Qatar vào danh sách các nước bảo hộ khủng bố. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra vì một số nguyên nhân. Thứ nhất, ở Qatar có căn cứ Mỹ Al-Udeid. Washington rất quan tâm tới việc duy trì căn cứ này, địa điểm chiến lược quan trọng của Mỹ trong khu vực. Thứ hai, việc duy trì các liên lạc bí mật với các tổ chức khủng bố cần có Qatar. Mỹ, các nước Tây Âu và những cường quốc hàng đầu thế giới đều chính thức tuyên bố không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với các chiến binh và không có bất kỳ liên lạc nào với chúng. Vai trò này do Qatar đảm nhiệm… Qatar đang giúp giải thoát những con tin người châu Âu bị bọn khủng bố bắt cóc”, Giáo sư Jawad cho hay.
Nhà khoa học chính trị Jawad nhận định hiện nay Mỹ đang tỏ ra bất mãn với chính sách của Qatar. Trong tương lai, nếu Doha không thay đổi đường lối thì chúng ta có thể sẽ chứng kiến hành động quyết liệt hơn của Mỹ.
Sáng sớm 5/6, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Vài giờ sau, Libya, Yemen và Maldives cũng nối gót cắt đứt mối giao bang với Doha. Riyadh đá Qatar ra khỏi liên minh với Yemen, trong khi Yemen cáo buộc Qatar bảo trợ cho phiến quân Shiite Houthi. Các quốc gia vùng Vịnh này đã cáo buộc Qatar hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố như tổ chức Anh em Hồi giáo, và tham gia vào các nỗ lực gây bất ổn các nước trong khu vực.
Chính quyền Qatar đã lên tiếng bày tỏ "lấy làm tiếc" vì các quyết định này. Bộ Ngoại giao Qatar cho rằng quyết định nói trên của các quốc gia Vùng Vịnh là "vô lý" và dựa trên những cáo buộc "vô căn cứ".
Trong bối cảnh
khủng hoảng vùng Vịnh, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hối thúc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Qatar giải quyết bất đồng và duy trì sự thống nhất.
Quan hệ hợp tác thân thiết của Mỹ và Saudi Arabia, được tăng cường gần đây sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới khu vực. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là căn cứ quân sự lớn nhất ở khu vực của Mỹ là căn cứ không quân Al-Udeid được đặt tại Qatar.