Tiến sĩ Segal khẳng định không phải cứ tiêm nhiều vaccine vào người là tốt hơn. Ông cho biết giới bác sĩ khi kê đơn thường sử dụng hình ảnh ẩn dụ là “cửa sổ điều trị”, theo đó chân cửa sổ là liều lượng nhẹ ít hiệu quả nhất và trên đỉnh cửa sổ là liều lượng ở mức rất nặng khiến các tác dụng phụ có thể lên tới mức không thể chấp nhận được và bác sĩ luôn phải đưa ra liều lượng làm sao dung hòa được cả hai yếu tố: vừa đảm bảo hiệu quả vừa không quá hại cho bệnh nhân.
Nghiên cứu của hãng dược phẩm Pfizer cho thấy rằng mũi vaccine thứ 3, nếu tiêm sau mũi thứ 2 khoảng 11 tháng, giúp giảm được nguy cơ nhiễm bệnh tới 96% so với những người tiêm 2 mũi. Theo Tiến sĩ Segal, lý do không nên tiêm mũi thứ ba cho tất cả mọi người bởi vì nhiều người tiêm 2 mũi vẫn ở trong ngưỡng cửa sổ điều trị - tức là cơ thể họ vẫn được vaccine bảo vệ tốt thì họ không có thêm lợi ích khi tiêm mũi thứ 3. Với những người như vậy, tiêm thêm mũi thứ 3 sẽ chỉ khiến họ bị đẩy lên ngưỡng phía đỉnh "cửa sổ điều trị", tức là ngưỡng mang lại nhiều tác dụng phụ.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã khuyến nghị tiêm mũi thứ 3 cho người già và không tiêm mũi 3 cho người trẻ và khỏe mạnh. Tuy nhiên, các thành viên ủy ban tư vấn cũng đang đề xuất cần nghiên cứu thêm để điều chỉnh cho chính xác hơn những khuyến nghị ban đầu.
Hai cơ quan nói trên cũng đề xuất sẽ nghiên cứu ở mức rộng rãi hơn để có thể đưa ra khuyến nghị về độ tuổi cụ thể nên tiêm bao nhiêu mũi vaccine, đồng thời đưa ra các khuyến nghị mang tính cá nhân hơn cho người bệnh, dựa trên những đánh giá về tính miễn dịch đối với nhiều bệnh khác trong nhiều thập kỷ qua. Khuyến nghị cá nhân đặc biệt quan trọng đối với những người đã từng mắc COVID-19 bởi khả năng miễn dịch và nguy cơ nhiễm bệnh do vaccine rất dễ thay đổi.
Giới khoa học cũng cần nghiên cứu có nên dùng thuốc chống viêm sau khi tiêm vaccine hay không bởi thuốc chống viêm giảm nguy cơ viêm nhiễm nhưng cũng có thể làm giảm hiệu quả vaccine.