Luật sư Tommy Koh làm việc tại Bộ Ngoại giao Singapore thậm chí đã đặt câu hỏi với người đồng cấp Mỹ về quyết định của Tổng thống Trump không dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Singapore và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Papua New Guinea. Phó Tổng thống Mike Pence sẽ đại diện Mỹ dự hai sự kiện này.
Ông Tommy Koh nhận định: “Với châu Á, việc tham gia một cuộc họp là rất quan trọng”.
Ông Koh cũng cho biết nhiều đồng nghiệp tại các quốc gia Đông Nam Á đều bất an về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ với chủ trương đối trọng Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời ông Koh khẳng định đây là quan điểm riêng của ông và không liên quan đến chính phủ Singapore.
Nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Patrick Murphy đánh giá việc Phó Tổng thống Pence dự hai hội nghị tại châu Á cho thấy Mỹ duy trì cam kết với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với 3 nội dung hợp tác trụ cột về kinh tế, an ninh và chính phủ.
Hồi tháng 10, khi phát biểu tại Viện Hudson, Phó Tổng thống Pence đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Do vậy, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, khi trực tiếp đến dự hai sự kiện lần này, Phó Tổng thống Pence dường như muốn trấn an các đồng minh của Mỹ rằng Washington vẫn duy trì hiện diện trong khu vực.
Trong một cuộc họp báo tại Tokyo (Nhật Bản), Phó Tổng thống Pence từng nói: “Chúng tôi muốn một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nơi mọi quốc gia được tự do đi theo con đường riêng và theo đuổi lợi ích riêng, nơi bầu trời và vùng biển đều rộng mở cho những hoạt động hòa bình và là nơi các quốc gia có chủ quyền cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn”.
Trong khi sự vắng mặt của Tổng thống Trump gây chú ý thì nhiều ý kiến khác lại quan tâm đến việc Chủ tích Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không hiện diện. Ông Aaron Connelly tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore đánh giá: “Cần chú ý rằng Chủ tịch Trung Quốc chưa bao giờ dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á”.