Đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài dài nhất kể từ khi ông Mahathir trở lại nắm quyền vào tháng 5 vừa qua. Điều này phản ánh Trung Quốc vẫn là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Thủ tướng Mahathir, cũng như Malaysia đánh giá cao tầm quan trọng của việc điều chỉnh lại mối quan hệ hai nước trong tình hình mới. Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố chuyến thăm là một cột mốc mới trong việc củng cố quan hệ song phương, tạo ra các cột trụ chiến lược mới để thúc đẩy hợp tác trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và an ninh khu vực.
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại Malaysia và Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia đạt khoảng 2,36 tỷ USD, tăng gần 350% so với năm 2013. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Malaysia sau Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU). Nền kinh tế lớn nhất châu Á cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 9 năm liên tiếp, nhà đầu tư lớn nhất vào công nghiệp sản xuất Malaysia trong 2 năm liền. Du khách Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất trong số các du khách nước ngoài tới Malaysia trong suốt 6 năm qua. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương Malaysia-Trung Quốc đạt 290,65 tỷ RM (tương đương 70 tỷ USD). Trung Quốc hiện còn là nhà thầu lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Malaysia. Khoảng 85% chi phí xây dựng đường sắt ECRL là do vay từ Trung Quốc.
Chuyến thăm của Thủ tướng Mahathir được đặc biệt chú ý trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Malaysia đang được đánh giá là "trong thời điểm nhạy cảm". Chính phủ mới của Malaysia thời gian qua đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng hàng loạt dự án đầu tư từ Trung Quốc. Đặc biệt, nước này đã quyết định đình chỉ thi công 4 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà thầu Trung Quốc trị giá 23 tỷ USD: bao gồm dự án đường dẫn dầu khí (813 triệu USD) nối giữa Malacca với dự án phát triển tích hợp lọc hoá dầu Petronas ở Pengerang, dự án đường sắt ECRL (20 tỷ USD) và 2 dự án đường ống dẫn dầu khác (2,3 tỷ) ở bang Sabah. Thủ tướng Mahathir bày tỏ lo ngại đây là các khoản đầu tư "không công bằng", các hợp đồng cơ sở hạ tầng này sẽ là gánh nặng lớn đối với Malaysia khi nước này bị phụ thuộc tài chính, nhân công và nguyên vật liệu nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính Thủ tướng Mahathir cũng khẳng định việc Malaysia đình chỉ các dự án đầu tư từ Trung Quốc không có nghĩa là Kuala Lumpur muốn hủy hoại mối quan hệ gắn bó với Bắc Kinh, vốn đã được phát triển từ nhiều năm trước. Mục đích của quyết định này là nhằm xem xét lại các dự án, đàm phán lại với Trung Quốc để giảm bớt chi phí vay nợ, cũng như đảm bảo sự tham gia nhiều hơn của các công ty và lao động Malaysia.
Mặt khác, sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Mahathir tuyên bố ưu tiên của chính phủ là giảm nợ quốc gia và cam kết rà soát các dự án lớn do chính quyền tiền nhiệm phê duyệt, theo hướng kiên quyết loại bỏ một số dự án không cần thiết. Ông ước tính Malaysia có thể giảm gần 1/5 trong tổng số khoảng 251,5 tỷ USD nợ quốc gia nhờ hủy các dự án lớn như vậy. Việc đánh giá lại các dự án đầu tư từ Trung Quốc cũng nằm trong lộ trình này.
Như vậy, chuyến thăm lần này không chỉ là cơ hội để hai bên điều chỉnh lại mối quan hệ song phương mà còn được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan những dự án đầu tư với Trung Quốc đang bị đình lại thời gian qua. Tại cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Lý Khắc Cường (Li Keqiang) ở thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Mahathir nhấn mạnh Malaysia không muốn đối đầu với bất kỳ quốc gia nào, đồng thời xác nhận những lợi ích mà Malaysia nhận được từ việc tăng cường hợp tác thương mại, công nghiệp và doanh nghiệp với Trung Quốc. Ông khẳng định thương mại tự do phải là thương mại công bằng và đây là con đường mà cả thế giới cần hướng tới. Đây được xem là thông điệp của ông Mahathir với Bắc Kinh rằng Malaysia muốn một mối quan hệ thương mại cân bằng và không bị quá phụ thuộc vào nước ngoài. Ông Mahathir bày tỏ tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ cảm thông với các vấn đề tài chính nội bộ mà Malaysia đang đối mặt, cũng như hỗ trợ Kuala Lumpur giải quyết vấn đề này.
Đáp lại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc gặp Thủ tướng Malaysia đã đưa ra cam kết về phát triển quan hệ hữu nghị hai nước, thúc đẩy hợp tác trong kỷ nguyên mới, cho thấy Bắc Kinh muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Malaysia. Trong chuyến thăm Malaysia hồi cuối tháng trước, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng duy trì các chính sách hữu nghị với Malaysia để tăng cường hợp tác và mang lại lợi ích cho người dân ở cả hai quốc gia, nhất là khi quan hệ hai nước có ý nghĩa chiến lược "vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký 5 thỏa thuận trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp, tài chính, công nghệ, trong đó có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh tới công nghệ phát triển dầu cọ. Malaysia hiện đóng góp tới 39% sản lượng dầu cọ của thế giới và chiếm tới 44% xuất khẩu mặt hàng này toàn cầu. Các thỏa thuận này được xem là bước tiến lớn giúp các mặt hàng nông nghiệp Malaysia thâm nhập vào thị trường Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng thời làm tăng thêm doanh thu xuất khẩu và tạo việc làm tại Malaysia. Đây được xem là tiền đề giúp mối quan hệ thương mại song phương phát triển cân bằng và thiết thực hơn.
Giáo sư Tiến sĩ Evelyn S. Devadason của Khoa Kinh tế và Hành chính thuộc Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia đánh giá các khoản đầu tư từ Trung Quốc là kịp thời trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu từ các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) truyền thống đang bị chững lại. Do đó, để thúc đẩy sự kết nối và giảm bớt chi phí giao dịch, Malaysia nên chú trọng đầu tư chất lượng từ Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, nhà phân tích chính trị, cựu quan chức Malaysia Oh Ei Sun nhận định trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng trên thế giới, liên minh với nền kinh tế ngày càng cởi mở như Malaysia sẽ đem lại lợi ích lớn cho Bắc Kinh, bởi Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Trên thực tế, Thủ tướng Mahathir chính là người đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Malaysia-Trung Quốc, ông từng thăm Trung Quốc 7 lần khi nắm giữ cương vị thủ tướng trong giai đoạn từ năm 1981-2003. Vị chính khách kỳ cựu này cũng là người từng khởi xướng cơ chế hợp tác Trung Quốc-ASEAN và cơ chế hợp tác "10+3", đồng thời đóng vai trò lịch sử đối với cơ chế hợp tác Đông Á ngày nay. Với các thỏa thuận mới đạt được, chuyến thăm lần này tiếp tục phản ánh sự nhất quán trong chính sách của Thủ tướng Mahathir về một mối quan hệ song phương cân bằng, thực chất và hiệu quả hơn với Trung Quốc, trong đó hợp tác kinh tế cùng có lợi vẫn sẽ là hướng đi chính để hai nước phát triển quan hệ trong tương lai.