Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Trung Quốc đã gặp và hội đàm với các lãnh đạo cao nhất của Nga. Hai bên đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là mục tiêu được đặt ra trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev - phấn đấu đạt kim ngạch song phương 200 tỷ USD vào năm 2024, gần gấp đôi giao dịch thương mại giữa hai nước hiện nay.
Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc diễn ra khi Moskva và Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm thiết lập ngoại giao. Trong thời gian đó, quan hệ song phương đã được nâng lên thành đối tác tin cậy bình đẳng toàn diện và hợp tác chiến lược. Với tần suất gặp nhau không dưới 5 lần một năm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng với cơ chế tiếp xúc thường xuyên cấp người đứng đầu chính phủ Nga và Trung Quốc đã hoạt động từ năm 1996, chuyến thăm lần này không có ý nghĩa bước ngoặt, song nó thu hút chú ý trong bối cảnh dường như những khó khăn kinh tế của hai nước đều xuất phát từ cùng một địa chỉ, cũng như hai quốc gia đang phải giải quyết những lựa chọn địa chính trị phức tạp.
Kết quả cuộc gặp và hội đàm thường kỳ lần thứ 24 của hai thủ tướng diễn ra tại thủ đô phương Bắc Saint-Petersburg của Nga, tập trung vào các nội dung kinh tế, đã thể hiện hiệu quả của xu hướng thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai nước thời gian qua. Hai bên đã ghi nhận quan hệ song phương hiện đang ở mức cao “chưa từng có” và đang bước vào “kỷ nguyên mới”. Hợp tác song phương đã bao trùm tất cả các lĩnh vực. Một nhiệm vụ rất cụ thể được hai bên đặt ra là nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2024 từ mức trên 108 tỷ USD hiện nay. Đây được đánh giá là một con số không gây quá ngạc nhiên nếu biết rằng chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Nga-Trung đã đạt gần 71 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Điểu đáng chú ý, quốc gia xuất khẩu truyền thống Trung Quốc lại không phải là bên đóng góp nhiều hơn: xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga chỉ chiếm 31,14 tỷ USD, trong khi con số từ Nga là 39,45 tỷ USD.
Một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế đã được hai bên ký kết trong chuyến thăm này, có thể coi là “lộ trình” cho việc “nhân đôi” kim ngạch thương mại. Để thực hiện mục tiêu tham vọng đó, phía Nga đề xuất cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, công nghệ cao và nông nghiệp. Về phần mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khẳng định cần phải có những “bước đi mới”, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí.
Giới chuyên gia cho rằng mục tiêu 200 tỷ USD là khả thi, và một trong những nguồn đóng góp dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới là xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga. Trong bối cảnh Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế bổ sung đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Bắc Kinh thì việc chuyển thị trường này sẽ “một công đôi việc”: giải quyết đầu ra cho hàng hóa Trung Quốc và góp phần tích cực đạt được nhiệm vụ chính trị và mục tiêu đề ra.
Trong buổi tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc sẽ tạo được cú hích để phát triển quan hệ song phương. Ông nhấn mạnh vai trò to lớn của hợp tác Nga-Trung trong nền chính trị thế giới và một lần nữa khẳng định hợp tác với Trung Quốc là ưu tiên đối ngoại hàng đầu của LB Nga.
Quan hệ Nga-Trung trong vài năm trở lại đây tăng tốc một cách đều đặn, đặc biệt sau khi hai nước cùng phải đối phó với những khó khăn kinh tế, 5 năm qua Nga liên tiếp hứng chịu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây và Mỹ, còn Trung Quốc cũng đang vướng vào "cuộc chiến thương mại" kéo dài với Mỹ. Có ý kiến cho rằng Nga và Trung Quốc hiện đang tiến tới một liên minh chặt chẽ hơn, thậm chí là liên minh quân sự để cùng ứng phó với thách thức chung, cũng như để "cạnh tranh" với Mỹ. Tuy nhiên, trong các tuyên bố chính thức của Nga và Trung Quốc, hai nước luôn phản đối ý tưởng liên minh quân sự. Cũng cần lưu ý rằng nếu như căng thẳng Nga-Mỹ mang tính chất “kinh niên”, thì Trung Quốc được coi là “nhân tố mới nổi” đe dọa vị thế độc tôn của Mỹ trên toàn cầu. Hơn nữa, về tiềm lực, đặc biệt là tiềm lực kinh tế, thì Nga chưa thể “đọ” với Trung Quốc.
Ngoài quan hệ đối đầu với Mỹ và phương Tây thì quan điểm của Nga và Trung Quốc có nhiều khác biệt. Cả hai bên đều duy trì quan hệ độc lập, không phụ thuộc vào quan hệ song phương, với các nước đối tác: Nga với các nước châu Á và Trung Quốc với các nước châu Âu. Trên trường quốc tế, dù hai bên có không ít tuyên bố được phân tích là “bảo vệ lợi ích của nhau”, song cũng hiếm khi chứng kiến Moskva và Bắc Kinh công khai “tiền hô hậu ủng” mỗi khi thảo luận các vấn đề xung đột. Quan hệ liên minh mà không thành lập liên minh, phải chăng có thể mô tả quan hệ Nga-Trung như vậy? Và như thế, hai bên đều đặn gia tăng quan hệ kinh tế thương mại, hỗ trợ nhau trong các tình huống cần thiết khi lợi ích không xung đột.
Xét trên những khía cạnh như vậy, kết quả nổi bật trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Nga chính là nhiệm vụ “nhân đôi” kim ngạch thương mại song phương. Gần 20 văn kiện hợp tác đã được ký kết, bao trùm nhiều lĩnh vực kể cả vũ trụ, nghiên cứu Mặt Trăng. Duy trì và nâng được tăng trưởng kinh tế trong vòng vây trừng phạt và căng thẳng thương mại hiện có thể coi là mục tiêu trước mắt khiến Moskva và Bắc Kinh cần đến nhau và xích lại gần nhau.