Có thể nói năm 2023 là một năm đầy khó khăn và biến cố đối với quyết tâm của châu Phi trong việc "rũ bỏ" ảnh hưởng nước ngoài cũng như khẳng định vai trò của "lục địa Đen" trên trường quốc tế. Mặc dù việc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm ngoái trao tư cách thành viên chính thức cho AU được xem là một bước công nhận vị thế của châu Phi, song căng thẳng chính trị gia tăng và các cuộc đảo chính liên tiếp trên lục địa tiếp tục tạo ra những nguy cơ. Hòa bình và an ninh vẫn luôn là những thách thức cấp bách ở nhiều nơi tại châu Phi, từ Mali, Mozambique, Sudan đến Burkina Faso, Niger, hay ngay tại nước chủ nhà Ethiopia, xung đột nội bộ và căng thẳng ngoại giao cũng leo thang. Theo dự báo, khu vực Sahel, miền Đông CHDC Congo, một phần Cameroon và Somalia, cũng như các khu vực của Ethiopia, sẽ tiếp tục là điểm nóng xung đột vào năm 2024.
Phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cũng là những thách thức lớn đối với châu Phi. Một bộ phận đáng kể dân số đang phải vật lộn với cuộc sống nghèo đói, bất bình đẳng về thu nhập và khả năng tiếp cận không đầy đủ các dịch vụ cơ bản như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Hệ thống cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu cơ hội việc làm và các tổn thương kinh tế càng cản trở sự phát triển bền vững, giáng một đòn mạnh vào sinh kế của hàng triệu người, đe dọa ổn định xã hội. Đi kèm với đó là vấn nạn tham nhũng, thể chế yếu kém làm suy yếu nền quản trị và pháp quyền.
Trong khi đó, châu Phi vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau những tác động kinh tế tiêu cực của đại dịch COVID-19. Châu lục cũng đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác. Hậu quả là suy thoái môi trường, khan hiếm tài nguyên, di dời dân trên diện rộng và mất an ninh lương thực gây ra những mối đe dọa đáng kể đối với phúc lợi và sinh kế của nhiều vùng dân cư châu Phi. Làn sóng khủng hoảng mới về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và khủng hoảng nợ nước ngoài đã gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn suy yếu của lục địa này.
Cơ quan chiến lược Chatham House có trụ sở tại Anh đánh giá những cú sốc này đã đảo ngược những thành tựu giảm nghèo mà châu Phi đạt được trong hai thập niên qua, hoặc thậm chí xa hơn nữa. Trên 55 triệu người tại châu Phi đã rơi vào ngưỡng nghèo kể từ năm 2020. Ít nhất 9 nền kinh tế tại châu Phi, trong đó có Ethiopia, đang lâm vào cảnh nợ nần. 15 quốc gia khác được coi là có rủi ro cao.
Những vấn đề này đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho lãnh đạo các nước tại hội nghị thượng đỉnh năm nay là phải hành động, nâng cao hiệu quả của Cơ cấu An ninh và Hòa bình châu Phi cũng như Cơ cấu Quản trị châu Phi. Việc giải quyết những thách thức cơ bản này có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ lục địa, đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và tích hợp dựa trên động lực toàn cầu, bao gồm quản trị tốt, tăng trưởng kinh tế toàn diện, xây dựng hòa bình, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe và tạo dựng môi trường bền vững.
Xuất phát từ yêu cầu đó, chủ đề của hội nghị năm nay là "Giáo dục một châu Phi thích ứng với thế kỷ 21: Xây dựng hệ thống giáo dục kiên cường để tăng khả năng tiếp cận nền học tập toàn diện, suốt đời, chất lượng và phù hợp ở châu Phi". Đây được đánh giá là một chủ đề phù hợp, vì những tiến bộ trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại những cơ hội mới cho việc số hóa giáo dục, y tế và tài chính, từ đó có thể thúc đẩy một kỷ nguyên chuyển đổi mới trên lục địa. Việc thúc đẩy giáo dục công bằng và hòa nhập sẽ góp phần tăng cường khả năng phục hồi, cũng như giảm thiểu và ngăn chặn các nhân tố dẫn đến xung đột bạo lực ở châu Phi. Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của AU, Bankole Adeoye nhấn mạnh giáo dục sẽ giúp thay đổi bộ mặt của lục địa, mang đến những cơ hội không giới hạn và là phương tiện chính để phá vỡ vòng luẩn quẩn bạo lực ở châu Phi.
Theo giới quan sát, AU cần dựa trên các chiến lược đã áp dụng để hoạch định các biện pháp mới nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của những thách thức. Các gợi ý đưa ra là thúc đẩy quản trị tốt, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở cả cấp quốc gia và cấp lục địa. Điều này bao gồm việc hỗ trợ các thể chế dân chủ, tăng cường pháp quyền, thúc đẩy sự tham gia chính trị toàn diện và quản trị dân chủ. Bên cạnh các chiến lược hướng tới đảm bảo hòa bình và ổn định chính trị, AU đồng thời thúc đẩy các chương trình khác tập trung vào phát triển bền vững, tạo việc làm và đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Để thực hiện nhiệm vụ này, AU cần đóng vai trò quan trọng trong tăng cường hội nhập kinh tế và thương mại nội khối bằng cách đẩy mạnh các sáng kiến như Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA). Ngoài ra, hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục cần được chú trọng bằng cách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực này. AU cũng phải tăng cường vận động cho hành động khí hậu, quản lý tài nguyên bền vững, thúc đẩy các nỗ lực thích ứng và xây dựng khả năng phục hồi ở cấp địa phương, quốc gia và khu vực.
Mặc dù AU có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các thành viên, nhưng việc các nước đặt niềm tin và tăng cường cam kết hợp tác nội khối sẽ tạo cơ hội để tổ chức gồm 55 quốc gia châu Phi này củng cố sức mạnh nội lực, qua đó khẳng định được vị thế chung của "Lục địa Đen" trên trường quốc tế.