Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội để Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có một khởi đầu mới, bởi ông là người muốn thay đổi chính sách đối ngoại với Moskva.
Chiến thắng của quân đội Chính quyền Damascus, được Nga hậu thuẫn, đã giúp Tổng thống Syria Bashar al - Assad củng cố quyền lực trong bối cảnh Tổng thống đắc cử của Mỹ phủ nhận các nỗ lực nhằm thay đổi chính quyền tại Damascus và tuyên bố sẽ ngừng hỗ trợ quân nổi dậy. Tỷ phú Donald Trump, một người không có bất kỳ kinh nghiệm nào về chính sách đối ngoại, sẽ chính thức bước vào Nhà Trắng vào ngày 20/1/2017 tới. Ông từng nói rằng ông muốn thay đổi mối quan hệ với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin và phối hợp với Moskva trong việc chống lại các mối đe dọa thánh chiến. Ông cũng đặt câu hỏi về những hỗ trợ giới hạn mà Mỹ dành cho lực lượng nổi dậy chống lại chế độ Assad, nhấn mạnh rằng Washington không “hiểu rõ” đâu là lực lượng mà họ phải đương đầu, và tốt hơn hết là không hỗ trợ quân nổi dậy.
Mỹ - Nga có thể hợp tác để giải quyết cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Ảnh: CNN
|
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố ông có một kế hoạch nhằm nhanh chóng tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, và giờ kế hoạch của ông đã rõ ràng, đó là xây dựng một mối liên minh không chính thức với Nga để giải quyết vấn đề Syria. Trên thực tế, bất chấp những khác biệt trong tuyên bố của chính quyền đương nhiệm và kế nhiệm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đặt những nền móng đầu tiên cho sự hợp tác này. Ngày 9/9, ông Kerry đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Geneva và ký một thỏa thuận nhằm thành lập “Trung tâm Triển khai Chung”, viết tắt là JIC. Khi đó, ông Kerry khẳng định nếu lệnh ngừng bắn được duy trì và giúp kiềm chế cuộc nội chiến, “Mỹ và Nga sẽ có những bước đi phối hợp nhằm cô lập và đánh bại các nhóm khủng bố”. Thỏa thuận JIC nhanh chóng thất bại sau khi các bên chỉ trích nhau về việc Nga đánh bom trúng đoàn xe chở hàng cứu trợ của Liên hợp quốc và máy bay của liên minh do Mỹ dẫn đầu vô tình tấn công một đơn vị quân đội của Syria. Tuy nhiên, ông Trump và nhà lãnh đạo Nga Putin được cho là có thể khôi phục thỏa thuận này.
Giới chức Mỹ, các nhà ngoại giao cùng giới quan sát và chuyên gia châu Âu cho rằng Tổng thống Syria sẽ củng cố quyền kiểm soát khu vực phía Tây đất nước với sự trợ giúp của Nga, Iran và lực lượng dân quân được Tehran hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng dân quân địa phương cùng các nhóm quân được Mỹ hỗ trợ bằng các cuộc không kích sẽ tiếp tục đẩy lùi IS tại vùng sa mạc phía Đông. Ông Andrew Tabler, một chuyên gia về Trung Đông, nói: “Câu hỏi thực sự là mối quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ như thế nào... Vấn đề đầu tiên mà Chính quyền Donald Trump hướng tới sẽ là cân nhắc khả năng triển khai Nhóm Triển khai Chung”.
Ông Trump đang rất quan tâm chương trình làm việc với Nga, và dự định thay thế Ngoại trưởng Kerry sắp mãn nhiệm bằng Giám đốc Điều hành tập đoàn ExxonMobil Rex Tillerson, một nhân vật có mối quan hệ thân thiết với nước Nga, và từng được đích thân Tổng thống Putin trao tặng huy chương hữu nghị. Tuy nhiên, một vấn đề khúc mắc có thể nảy sinh trong thời gian tới là Iran, bởi ông Trump dự định bổ nhiệm Tướng nghỉ hưu James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng, và ông Mattis là người có tư tưởng thù địch với Iran. Trên thực tế, Chính quyền Assad vẫn dựa vào sự hậu thuẫn của lực lượng quân sự được Iran huấn luyện và hỗ trợ tài chính.