Con đường 'ngoằn nghèo' dẫn đến cuộc gặp cấp cao Nhật-Trung

Sau 3 năm gián đoạn, đối thoại cấp cao Nhật-Trung cũng được nối lại bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/11. Ảnh: Kyodo/TTXVN.

Theo nhật báo "Nikkei" (Nhật Bản), nối lại đối thoại cấp cao Nhật – Trung được thực hiện là do Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khởi xướng và có sự hỗ trợ đắc lực của cựu Thủ tướng Nhật Bản Fukuda cùng những quan chức ngoại giao thân cận của Thủ tướng. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Abe cho biết những nỗ lực vận động và thu xếp cho cuộc gặp đã được thực hiện một cách âm thầm.

Theo giới nghiên cứu, những nỗ lực âm thầm mà Thủ tướng Abe đề cập bắt đầu mạnh mẽ từ đầu tháng 7 với việc cựu Thủ tướng Fukuda tới thăm Phủ Thủ tướng. Sau cuộc gặp giữa ông Fukuda và ông Abe, ông Fukuda cùng với Cục trưởng An ninh quốc gia Nhật Bản - cựu Thứ trưởng Ngoại giao Taniuchi đã được phái đi Bắc Kinh. Nguyên Thủ tướng Fukuda, trong giai đoạn đó, được cho là kênh trực tiếp để Bắc Kinh và Tokyo tìm kiếm về khả năng thực hiện cuộc gặp cấp cao Trung-Nhật.

Ông Fukuda đã được Bắc Kinh đón tiếp khá trọng thị, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị cùng ngồi dự. Ông Fukuda đã chuyển thông điệp của Thủ tướng Abe muốn khôi phục quan hệ Nhật-Trung tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời thông báo quan điểm phủ định của Thủ tướng Abe đối với việc thăm viếng đền Yasukuni.

Về phần mình, một trong những điều kiện để nối lại hội đàm cấp cao là Thủ tướng Abe phải cam kết rõ ràng về việc không viếng đền Yasukuni – nơi mà Bắc Kinh cho là đền thờ tội phạm chiến tranh. Không rõ nội dung thảo luận liên quan đến đền thờ Yasukuni như thế nào, song sau cuộc gặp, cựu Thủ tướng Fukuda tự tin tuyên bố với những người thân cận rằng chắc chắn hội đàm Nhật-Trung sẽ được nối lại.

Sau chuyến đi, Bộ Ngoại giao hai nước Nhật Bản, Trung Quốc bắt đầu điều tiết các nội dung chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao bên lề APEC. Tháng 8, tại thủ đô Naypyitaw, Myanmar, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hội đàm sau hai năm gián đoạn. Trong cuộc hội đàm bí mật về địa điểm và thời gian, Ngoại trưởng Kishida kêu gọi thực hiện đối thoại cấp cao Nhật-Trung bên lề APEC. Đáp lại lời kêu gọi, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng “cho đến nay thì vẫn khó khăn”.

Trong lúc hai Bộ Ngoại giao không đạt được tiến triển, Cục trưởng Taniuchi được phái đến gặp Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì. Ông Taniuchi và ông Dương Khiết Trì có mối quan hệ cá nhân thân thiết từ thời ông Dương Khiết Trì còn làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Sau chuyến thăm tuyệt mật hồi giữa tháng 10, hai bên mới rút lại 4 vấn đề chính, trong đó có vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vấn đề nhận thức lịch sử, để soạn thảo một văn bản thỏa thuận 4 điểm.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/11, bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Ảnh: AFP/TTXVN.


Những tranh cãi nảy lửa đã xảy ra ngay trong Chính phủ Nhật Bản về nội dung thỏa thuận 4 điểm. Một trong những nội dung gây tranh cãi là “cách hiểu khác nhau về việc phát sinh tình trạng căng thẳng thời gian gần đây” liên quan tới tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Nhiều ý kiến cho rằng nội dung này có thể được hiểu là Tokyo đã thừa nhận có tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phải thận trọng cử những chuyên gia tinh thông về luật pháp quốc tế rà soát và điều chỉnh câu chữ.

Người Nhật đã đề nghị Bắc Kinh cùng làm việc để đưa ra nội dung tuyên bố 4 điểm cuối cùng. Buổi làm việc cuối cùng tại Bắc Kinh diễn ra ngày 6/11. Quan chức Vụ luật pháp quốc tế Nhật Bản và đối tác đã phải làm việc căng thẳng và nội dung cuối cùng được nhất trí vào lúc 2 giờ sáng ngày hôm sau. Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã đề nghị Cục trưởng Taniuchi bắt tay cười vui vẻ để chụp ảnh.

Ngay sau đó, Bắc Kinh đã cấp tốc công bố nội dung thỏa thuận 4 điểm, trong khi phía Nhật công bố muộn hơn, sau khi đặc phái viên Taniuchi báo cáo Thủ tướng Abe.

Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo cuộc hội đàm lần này giữa ông Abe và ông Tập Cận Bình sẽ dẫn tới những thay đổi “kịch tính” trong quan hệ song phương. Mặc dù hai nhà lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản và Trung Quốc đều sử dụng cụm từ “một bước cải thiện quan hệ”, song bản thỏa thuận 4 điểm bằng tiếng Trung có cách dùng từ hơi khác so với bản tiếng Nhật khi nó ghi rõ là có “chủ trương khác nhau” liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Trong một diễn biến khác, báo "Thư tín địa cầu" (Canada) ngày 10/11 dẫn lời ông Jeff Kingston, một Giáo sư nghiên cứu châu Á tại Tokyo nhận xét rằng tính chất chính thức của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản là một dấu hiệu tốt. Địa điểm gặp là Đại lễ đường Nhân dân cũng đánh dấu sự tôn trọng và tạo đà cho việc phát triển mối quan hệ Nhật-Trung lâu dài và ổn định, đáp ứng lợi ích của hai nước.

Vấn đề hiện nay là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau nhiều tháng các bài chỉ trích Nhật Bản xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc hầu như hàng ngày và người tiêu dùng tẩy chay một số hàng hóa của Nhật Bản tại Trung Quốc.

Đối với giới lãnh đạo của Trung Quốc và Nhật Bản, vấn đề lớn hiện nay là liệu họ có thể thúc đẩy quan hệ và tránh những cử chỉ và tuyên bố gây tranh cãi hay không. Quan hệ Trung-Nhật hiện rất mong manh nên chỉ một cuộc gặp không thể làm "tan băng" quan hệ. Mặc dù vậy, cuộc gặp đó cũng là sự khởi đầu tốt.


TTK



Nhật-Trung đối thoại tránh xung đột quân sự
Nhật-Trung đối thoại tránh xung đột quân sự

Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí sẽ tiến hành một cuộc đối thoại dân sự với chủ để phòng tránh xung đột quân sự song phương trong bối cảnh hai bên căng thẳng về các vấn đề chủ quyền ở biển Hoa Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN