Còn quá ít thời gian để cứu đồng euro

Nhật báo Libération (Pháp) ngày 1/12 cho rằng, khủng hoảng đồng euro đang trong giai đoạn quyết định và khu vực đồng tiền chung này hiện chỉ còn một lựa chọn: Hội nhập hơn nữa hoặc tan rã.

Chỉ còn rất ít thời gian nữa để cứu đồng euro và cũng chỉ có một thỏa thuận tuyệt đối, cụ thể giữa Pari và Béclin mới đưa ra được giải pháp đáng tin cậy mà cả 17 nước thành viên khu vực đồng euro có thể chấp nhận. Trong vòng hơn một tuần nữa, khu vực đồng euro hoặc sẽ được trang bị các phương tiện cần thiết, hoặc phá sản. Hệ lụy là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa chủ quyền và chủ nghĩa suy tàn sẽ có cơ hội thúc đẩy ngày tàn của Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước thành viên.

Khủng hoảng khu vực đồng euro trước hết có căn nguyên từ khía cạnh chính trị. Kể từ khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng nợ chính phủ, sự ứng phó của tất cả 17 nước khu vực đồng euro luôn chậm và yếu ớt, làm trầm trọng thêm các khó khăn về kỹ thuật và cái giá phải trả về kinh tế - xã hội của từng nước và của cả khối. Sâu xa hơn là sự thiếu thiện chí, ý chí và một thỏa hiệp chính trị. Xét chuỗi thực tế sự việc, tất cả nằm ở trách nhiệm và khả năng thuyết phục đối tác và huy động hệ thống thể chế của Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trở ngại đối với các nỗ lực bình ổn khu vực đồng euro là ở chỗ khi phải đối mặt với khủng hoảng nợ công, cũng như với khủng hoảng ngân hàng trước đây, ông Sarkozy có đủ can đảm và nhanh nhẹn nhưng thiếu sức mạnh, trong khi bà Merkel có sức mạnh nhưng lại thiếu nhanh nhẹn. Đành rằng bà Merkel có lý do để thoái thác trách nhiệm (đằng sau bà là một chính phủ liên minh, chế độ nghị viện, hệ thống liên bang, tòa án hiến pháp công khai theo chủ nghĩa chủ quyền), nhưng chừng đó không đủ để bao biện cho việc ngay từ đầu khủng hoảng, bà luôn phản ứng quá nhỏ giọt và quá chậm trễ. Nói tóm lại, có thể ví “Tổng thống Pháp là một máy gia tốc không động cơ và Thủ tướng Đức là một động cơ không máy gia tốc”.

Rõ ràng, khu vực đồng euro không thể vận hành suôn sẻ theo cách như vậy và điều quyết định hiện nay là hai đầu tàu Pháp và Đức phải tìm được một tiếng nói chung. Đến nay, Đức tiếp tục muốn có một cơ chế giám sát tài chính nghiêm khắc, sẵn sàng đưa ra những trừng phạt bắt buộc và nhiều người cho đây là đòi hỏi hợp lý, bởi Đức là nước cung cấp nhiều tín dụng nhất. Trong khi đó, Pháp không muốn trao vai trò quyết định này cho Ủy ban châu Âu mà cho lãnh đạo các nước thành viên để tránh tình trạng mất chủ quyền.

Để đạt được một thỏa thuận về ngân sách và mục tiêu hài hòa thuế quan cũng như đưa ra các quyết sách theo cơ chế đa số thay vì đồng thuận, EU chỉ có hai cách: Hoặc xem xét lại các hiệp ước đã ký kết và sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như gặp nhiều rủi ro, hoặc tìm một thỏa thuận liên nhà nước vốn nhanh hơn và hiện thực hơn. Kèm theo đó trước hết là sự đồng thuận về công cụ kỹ thuật để thực hiện các lựa chọn chính trị này.

Đến nay, Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu đang cho thấy chưa đủ tầm với khủng hoảng hiện nay, và còn lại chỉ có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và trái phiếu châu Âu, nhưng đây lại là điều mà Đức không muốn nhắc tới. Cam kết ngân sách được cho là điều kiện tiên quyết và ECB cũng như trái phiếu châu Âu chính là giải pháp đối với khu vực đồng euro. Và các thị trường đang chờ đợi một quyết định rõ ràng tại Hội nghị cấp cao châu Âu vào ngày 8 - 9/12 tới.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN