Tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu “Một hành tinh” lần thứ hai diễn ra vào ngày 26/9, như lời cảnh tỉnh với thế giới về nguy cơ cộng đồng quốc tế đi chệch hướng mục tiêu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tiếp nối Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu mới đây tại San Francisco, Mỹ, Hội nghị “Một hành tinh” lần thứ hai được nhìn nhận là bước quan trọng, góp phần thổi luồng sinh khí mới thúc đẩy việc thực thi các cam kết về cắt giảm khí thải nhà kính và tăng cường biện pháp bảo vệ môi trường theo Hiệp định Paris.
Sự kiện năm nay là một phần trong “Tuần lễ khí hậu”, diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, đồng thời cũng được xem là tiền đề cho Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 24) tại Ba Lan vào tháng 12 tới.
Nếu Hội nghị “Một hành tinh” lần thứ nhất được tổ chức tại Paris, Pháp cuối năm 2017, là một "lời đáp" của cộng đồng quốc tế đối với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi Hiệp định Paris, thì hội nghị lần thứ hai này là cơ hội để các bên rà soát việc thực thi những cam kết khí hậu đã đưa ra.
Bản thân việc LHQ đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự của phiên họp cấp cao Đại hội đồng năm nay, cùng với hội nghị "Một hành tinh" lần thứ hai được tổ chức ngay tại diễn đàn toàn cầu lớn nhất hành tinh này, đã một lần nữa cho thấy tính cấp thiết của vấn đề ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Như lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: “Chúng ta có mặt ở đây không phải để thảo luận mà là để nhận trách nhiệm”, sự kiện này được nhìn nhận là diễn đàn để các nước “kiểm điểm” ý thức của mình trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Có thể thấy rõ động lực thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại COP 21 tháng 12/2015, đang có dấu hiệu "suy yếu", trước hết xuất phát từ việc Mỹ, quốc gia đi đầu trong mọi mặt trận và đứng thứ hai thế giới về lượng khí thải nhà kính, ngừng tham gia hiệp định trên. Australia, một trong số quốc gia gây ô nhiễm nhất tính theo đầu người, cũng tuyên bố loại bỏ cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khỏi dự thảo Đảm bảo năng lượng quốc gia.
TTK Guterres nhấn mạnh, việc thiếu vắng vai trò lãnh đạo cứng rắn trong những quyết sách nhằm đưa các nền kinh tế và xã hội đi theo con đường tăng trưởng carbon thấp và chống biến đổi khí hậu đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ông khẳng định, chỉ có vai trò lãnh đạo đầu tàu mạnh mẽ mới giúp các nước hoàn tất các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo ông, Nhóm các nền kinh tế mới mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải nhà kính, cần thể hiện rõ vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cho đến nay, 180 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris mới thực hiện cắt giảm 1/3 lượng khí thải carbon dioxide (CO2) cần thiết nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 1,5 độ C đến năm 2020. Bên cạnh đó, việc xây dựng ngân sách trị giá 100 tỷ USD hằng năm (tới năm 2020) nhằm hỗ trợ các quốc gia phát triển đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu cũng trở nên “xa vời”, khi các nước phát triển mới chỉ đóng góp cho quỹ này 10 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD của Mỹ, tức là chỉ bằng 1/3 cam kết mà cựu Tổng thống Barack Obamađưa ra theo Hiệp định Paris.
Loạt thiên tai diễn ra với tần suất dày hơn, gây thiệt hại lên tới 320 tỷ USD hồi năm ngoái là hồi chuông cảnh báo rằng thái độ chần chừ, thiếu nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết của Hiệp định Paris sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc. Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết hai thập niên qua "đóng góp" tới 18 năm ấm nhất trên toàn cầu kể từ khi số liệu này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1850. Trong khi đó, năm nay, lần đầu tiên khối băng dày vĩnh cửu tại miền Bắc Greenland bắt đầu nứt. Nồng độ CO2 trong khí quyển đang ở mức cao nhất trong 3 triệu năm qua và còn tiếp tục gia tăng. Với tình trạng ấm lên toàn cầu như hiện này, vào năm 2100, những cơn bão mạnh như siêu bãi Sandy, từng khiến nước Mỹ bị thiệt hại 70 tỷ USD, sẽ xảy ra với tần suất thường xuyên hơn, gấp 17 lần so với hiện tại.
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo từ nay đến năm 2100, mức độ nghiêm trọng của nước biển dâng chủ yếu phụ thuộc vào quyết tâm và khả năng giảm khí thải nhà kính do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa thừa nhận “mọi thứ rất thách thức”, và cho rằng và “thực sự chưa có sự chắc chắn về việc các nước có thể khiến mục tiêu thành công hay không”.
Dù vậy, Hội nghị “Một hành tinh” lần thứ hai cũng chứng kiến những cam kết, sáng kiến "tiếp sức" cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính phủ Pháp và Đức cùng các tổ chức từ thiện khác, gồm Quỹ Hewlett, đã cam kết đóng góp khoản tài chính đầu tiên cho Sáng kiến Đối tác tài chính khí hậu của LHQ do Đặc phái viên LHQ về Hành động chống biến đổi khí hậu, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg đứng đầu. Sáng kiến này dự kiến thu hút sự tham gia của các công ty tài chính và các tập đoàn hàng đầu thế giới nhằm thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch và các dự án chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại các nước phát triển và đang phát triển.
Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết khoản ngân sách 1 tỷ USD phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng cho các nước đang phát triển và mới nổi, đồng thời bổ sung 4 tỷ USD, từ nay đến năm 2025, để xây dựng nhà máy dự trữ năng lượng có công suất gấp 3 lần tại các nước đang phát triển. Hãng công nghệ Google khổng lồ của Mỹ cũng giới thiệu một công cụ giúp thu thập dữ liệu về khí phát thải nhà kính từ giao thông cũng như đưa ra tính toán công suất năng lượng mặt trời của các thành phố.
Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu “Một hành tinh” lần thứ hai đã phát đi lời cảnh báo nghiêm khắc: Tiến độ thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu đang quá chậm trễ, mà thời gian hành động không còn nhiều. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được xem là một thỏa thuận lịch sử, song chỉ là bước khởi đầu và để thực thi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này thì cả cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa.