Cuộc bầu cử thấm đẫm bạo lực ở Pakistan

Nếu không có những thay đổi bất ngờ, ngày 11/5 sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội ở Pakistan. Tuy nhiên, đất nước này đang bị bao phủ bởi làn sóng bạo lực rất nghiêm trọng, báo hiệu điềm xấu cho cuộc bầu cử có ý nghĩa then chốt đối với sự tồn vong của nền dân chủ Pakistan. Pakistan đã bị tàn phá bởi các vụ khủng bố của tàn quân Taliban đến từ nước láng giềng Afghanistan, và nước này cũng đã quá quen với các cuộc đảo chính quân sự.


 

Hiện trường vụ nổ bom tại Peshawar, Pakistan ngày 8/5. Ảnh: AFP-TTXVN

 

Báo "Trung Đông” nhận định cuộc bầu cử quốc hội lần này ở Pakistan tuy được đánh giá là mang tính lịch sử vì lần đầu tiên một chính phủ dân sự đã hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm của mình, song nó đang bị đe dọa bởi làn sóng bạo lực nghiêm trọng nhằm vào các đảng thế tục. Vì vậy, tính công minh của cuộc bầu cử khiến người ta lo ngại.


Tình trạng bạo lực dây chuyền nổ ra khi bắt đầu chiến dịch vận động bầu cử ngày 11/4, nhằm vào các đảng thế tục và các ứng cử viên độc lập như Đảng Nhân dân Pakistan (PPP, thế tục, cầm quyền) và các thành viên trong cùng liên minh là Awami National Party (ANP) và Muttahida Qaumi Movement (MQM) đã làm hơn 110 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương. Những vụ bạo lực đẫm máu đáng kể nhất gần đây là 4 vụ đánh bom liên tiếp trong các cuộc mít tinh vận động tranh cử tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở vùng tây bắc nước này, nơi phiến quân Taliban và các phần tử khủng bố al-Qaeda dường như thống lĩnh địa bàn, khiến trên 40 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Rồi vụ khủng bố kép xảy ra ngày 5/5 tại Karachi, thủ đô kinh tế của Pakistan, nhằm vào MQM, làm 3 người chết và trên 30 người bị thương. Mới nhất là ngày 8/5, một kẻ đánh bom liều chết đã tấn công một đồn cảnh sát ở quận Bannu thuộc Khyber Pakhtunkhwa, làm 2 phụ nữ thiệt mạng và hơn 20 người bị thương.


Trước khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào MQM hôm 5/5, ứng cử viên của đảng này là Saddiq Khattab cũng bị giết hại tại Karachi. Ông là ứng cử viên thế tục thứ ba bị sát hại trong chiến dịch vận động bầu cử quốc hội lần này ở Pakistan. Theo báo chí địa phương, sở dĩ cuộc bầu cử lần này nhuốm máu bạo lực như vậy, và chủ yếu do quân Taliban tiến hành, bởi lẽ lực lượng này coi cuộc tổng tuyển cử sắp tới hoàn toàn “trái với những giá trị của Hồi giáo”, và họ muốn chắn đường trào lưu thế tục và tự do ở Pakistan. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ thêm là các vụ bạo lực cũng nhằm vào các đảng Hồi giáo hay các đảng phản đối mọi sự liên minh với Mỹ như Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif và Tehreek-e-Insaf (PTI) của Imran Khan.


Ngoài việc sát hại các ứng cử viên của các đảng tự do, làn sóng bạo lực cũng nhằm vào một công tố viên, người đã tiến hành điều tra vụ sát hại cựu Thủ tướng Benazir Bhutto hồi năm 2007. Theo các chuyên gia, vụ sát hại này có thể là do một trong những người ủng hộ cựu Tổng thống Pervez Musharraf tiến hành. Cách đây ít ngày, ông Pervez Musharraf đã quyết định chấm dứt 4 năm lưu vong, trở về nước trong nỗi lo sợ, chỉ cốt được tham gia cuộc bầu cử với hy vọng trở lại chính trường, nơi từng mang lại cho ông nhiều bổng lộc.

 

Tuy nhiên, giấc mơ ấy của ông đã biến thành cơn ác mộng sau khi tòa án Pakistan tuần qua đã loại ông vĩnh viễn khỏi cuộc chơi lần này và cấm ông giữ mọi chức vụ chính trị vì ông bị buộc tội đã giết hại cựu nữ Thủ tướng Benazir Bhutto và có những hành động vi hiến khi đương quyền. Rõ ràng, quyết định trên là đòn cuối cùng giáng vào viên tướng về hưu này, và hiện ông ta đang bị tạm giam. Để vớt vát tình thế, người phát ngôn của Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan (APML), đảng của ông Musharraf, nói: “APML từng hy vọng tòa án sẽ làm việc đúng đắn, nhưng thật bất công khi họ đã loại bỏ vĩnh viễn Musharraf. Chúng tôi cho rằng với diễn biến ấy, cuộc bầu cử sẽ không thể công bằng, và vì thế APML đã quyết định tẩy chay nó”. Ai cũng hiểu quyết định này của APML đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với cả trước, trong và sau bầu cử.


Trong vòng xoáy bạo lực và những mối đe dọa như vậy, người ta có thể chờ đợi gì từ cuộc bầu cử được cho là “lịch sử” này? Cho dù bạo lực và những mối đe dọa kiểu như thế trước các cuộc bầu cử là khá bình thường ở Pakistan, song sự sụp đổ niềm tin và luật pháp như hiện nay ở đây đang thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng đối với một cuộc bầu cử công bằng và đúng đắn, và rộng hơn là đối với tương lai của đất nước này.



Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại Mỹ)

Con trai cựu Thủ tướng Pakistan bị bắt cóc
Con trai cựu Thủ tướng Pakistan bị bắt cóc

Ngày 9/5, ông Ali Haider Gilani, con trai út của cựu Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani, đồng thời là ứng cử viên của đảng Nhân dân Pakistan (PPP), đã bị các tay súng không rõ danh tính bắt cóc ở khu vực ngoại ô thành phố miền trung Multan.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN