Đây là động thái không nằm ngoài dự đoán, khi trước đó một ngày, các thành viên OPEC cũng đã thống nhất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng theo thời hạn trên.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu yếu đi kéo theo nhu cầu năng lượng có xu hướng giảm và sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt, có thể thấy động thái của OPEC trước tiên hướng tới giữ giá dầu ổn định, giảm sự biến động của giá dầu và thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, OPEC cũng muốn kiểm soát nguồn cung dầu của thế giới để đối phó với tình trạng dư cung trên thị trường. Với quyết định của mình, OPEC muốn đảm bảo rằng các nước thành viên có được một mức giá bán dầu hợp lý và việc hợp tác với các đối tác ngoài tổ chức là điều cần thiết và “thức thời”.
Một điều đáng ghi nhận tại hội nghị của OPEC và các đối tác vừa diễn ra ở Vienna (Áo) là ngoài việc thống nhất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm “giữ” giá dầu, các bên đã nhất trí duy trì sự ổn định của thị trường dầu thế giới, đảm bảo lợi ích chung của các nước sản xuất dầu trong khi vẫn đảm bảo đủ nguồn cung cho các khách hàng toàn cầu.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định OPEC và các đối tác ngoài OPEC không loại trừ khả năng tăng sản lượng dầu trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung trên thị trường quốc tế. Giải pháp này sẽ giúp OPEC tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng và củng cố vai trò chi phối trên thị trường năng lượng toàn cầu trong bối cảnh Mỹ đã vượt Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu số một thế giới hiện nay.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2018 và là năm thứ 16 tăng liên tiếp, đạt mức trung bình là 5,6 triệu thùng/ngày, tăng 365.000 thùng/ngày so với năm trước đó. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng đáng kể trong 10 năm qua, chủ yếu nhờ hoạt động khai thác dầu đá phiến được đẩy mạnh. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019 và 2020, lần lượt đạt mức trung bình 12,3 triệu thùng/ngày và 13 triệu thùng/ngày.
OPEC và các đối tác, với Saudi Arabia và Nga đóng vai trò chủ chốt, tin rằng việc cắt giảm sản lượng dầu có thể giúp duy trì giá dầu ở mức 70 USD/thùng, một mức giá được cho là hợp lý đối với hầu hết các nhà xuất khẩu dầu và có thể giúp khôi phục trạng thái cân bằng của thị trường năng lượng, ngăn chặn nguy cơ tái diễn tình trạng mất cân đối trên thị trường.
Trước đó, Saudi Arabia và một loạt cường quốc dầu mỏ trong OPEC được cho là phải chịu sức ép tăng sản lượng để bù đắp phần thiếu hụt dòng chảy dầu mỏ từ Iran, sau khi Mỹ chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô của Tehran từ ngày 2/5.
Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó nói rằng đã nhận được cam kết từ các nước sản xuất, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) về việc sẵn sàng tăng sản lượng để bù vào phần sụt giảm từ phía Iran, với mức tăng tổng cộng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn ngắn, tức là nhiều hơn phần giảm từ Iran, với khoảng 1,1 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ được xuất khẩu mỗi ngày trong nửa đầu tháng 4.
Những diễn biến này được dự báo khiến Saudi Arabia và nhiều nước xuất khẩu dầu OPEC gặp khó khăn hơn trong việc duy trì thỏa thuận cắt giảm nguồn cung mà các bên nhất trí từ cuối năm 2016.
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng Saudi Arabia cũng chịu sức ép trực tiếp từ đồng minh Mỹ trong vấn đề giá dầu. Trên mạng xã hội Twitter và các cuộc phỏng vấn thời gian qua, ông Trump đã bình luận công khai về giá dầu và vai trò của OPEC do Saudi Arabia dẫn dắt. Qua những thông điệp này, ông chủ Nhà Trắng đã cho thấy sự ủng hộ của mình đối với giá dầu tiêu chuẩn ở mức dưới 70 USD/thùng.
Trên thực tế, Mỹ đang ngày càng trở thành một nhà sản xuất và tiêu thụ xăng dầu lớn, vì thế tác động chính của việc thay đổi giá “vàng đen” sẽ là giá xăng tăng ở Mỹ, đồng nghĩa tác động tới "hầu bao" của những người tiêu dùng, người sử dụng phương tiện cá nhân và các khu công nghiệp ở vùng Trung Tây nước Mỹ, vốn là nhóm cử tri đã góp phần giúp ông Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016, và giờ có thể quyết định khả năng ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tổng thống Trump trước đó từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích các quyết định của OPEC, đồng thời quy chịu trách nhiệm cho tổ chức này khi để giá dầu và nhiên liệu tăng cao. Ông cũng từng yêu cầu OPEC phải tăng sản lượng dầu thô để hạ giá thành mặt hàng này. Với kịch bản giá dầu tăng, hoạt động đầu tư có thể tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng tới đà phát triển mà kinh tế Mỹ duy trì được cho đến nay. Trong khi đó, giá dầu ở mức tương đối thấp sẽ giúp cân bằng và hỗ trợ duy trì đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Tuy nhiên, như nhận định của chuyên gia Black Gold Investors, ông Gary Ross: “Saudi Arabia đang nỗ lực hết sức có thể khiến giá dầu đạt mức 70 USD/thùng bất chấp mong muốn của ông Trump". Saudi Arabia cần giá dầu ở ngưỡng trên 70 USD/thùng, thậm chí cao hơn 80 USD/thùng để củng cố ngân sách của chính phủ, đầu tư cho những kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế đắt đỏ và giúp bù đắp cho cán cân thanh toán quốc gia, cũng như củng cố vị thế tài chính của mình.
Trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 9/2018, giá dầu cao hơn và việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy ra bên ngoài đã đẩy dự trữ tài sản của Saudi Arabia tăng từ 485 tỷ USD lên 507,2 tỷ USD. Tuy nhiên, giá dầu suy giảm thời gian qua cùng với việc tăng chi tiêu của chính phủ và nới lỏng một số biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khiến dự trữ tài sản quốc gia sụt giảm gần 23 tỷ USD từ tháng 9/2018 đến cuối tháng 2/2019.
Tính đến thời điểm đó, tổng tài sản dự trữ của Saudi Arabia đã giảm xuống còn 484,6 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011, khiến vị thế tài chính của quốc gia này hiện được coi là "không bền vững". Nhu cầu đưa giá “vàng đen” vượt ngưỡng 70 USD/thùng nằm trong chiến lược kinh tế-chính trị của Saudi Arabia.
Ngoài ra, mối lo ngại nhu cầu sử dụng năng lượng trên toàn cầu sẽ suy giảm do hậu quả từ cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như những nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế, cũng đã phần nào tác động tới các quyết sách của OPEC và các đối tác. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cho rằng nền kinh tế thế giới đang ở trong một "thời điểm mong manh". Một loạt những dấu hiệu không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua đã là “chất xúc tác” để OPEC và các đối tác đi đến quyết định trên.
Cũng cần nhắc tới vai trò nổi bật của Nga thông qua các quyết sách của OPEC+. Moskva đang nổi lên trở thành đối tác tin cậy đối với các thành viên của OPEC, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Chính Nga cùng với Saudi Arabia đã đóng vai trò quyết định trong những bước đi của OPEC+, góp phần xây dựng cơ chế hợp tác theo hướng các bên cùng có lợi, xét về khía cạnh bình ổn giá dầu. Giới quan sát khu vực đánh giá rằng chỉ có Nga mới có khả năng giúp OPEC hạn chế những sức ép từ Washington, qua đó góp phần định chính sách chung của OPEC+.
Một thực tế không thể phủ nhận rằng thông qua việc hợp tác với Nga, OPEC có thể củng cố vị thế chi phối thị trường dầu mỏ thế giới và các quyết sách của OPEC và đối tác sẽ tiếp tục có tác động đáng kể đến giá dầu trong tương lai. Ngược lại, Nga cũng đã gặt hái được những thành quả cả về mặt kinh tế cũng như địa chính trị thông qua việc thắt chặt hợp tác với OPEC, tiếng nói của Nga đã trở nên có trọng lượng hơn bao giờ hết đối với các thành viên của tổ chức này.
Quyết định của OPEC+ về mặt lý thuyết có thể đẩy giá dầu thô đi lên. Tuy nhiên, Mỹ nhiều khả năng sẽ có hành động nào đó để có thể “điều chỉnh” giá dầu xuống mức mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn, bao gồm tăng sản lượng khai thác của mình.
Ngoài ra, những căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể tiếp tục tác động lớn đến giá dầu thế giới, những vụ việc xảy ra gần đây ở vùng Vịnh là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này.
Những diễn biến vừa qua cho thấy nguồn cung trên thị trường dầu mỏ vẫn đang và sẽ tiếp tục được thắt chặt với mục tiêu “bình ổn” giá, nhưng chỉ cần xảy ra một cú sốc nguồn cung nữa là giá dầu lại biến động khôn lường.