Cảnh báo này được đưa ra khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 24/6 thông báo số ca mắc COVID-19 ởđang tăng với tốc độ chưa từng có, trong bối cảnh chỉ khoảng 1% dân số "lục địa Đen" được tiêm vaccine đầy đủ, tỷ lệ thấp nhất thế giới. WHO cũng cảnh báo gần 90% các nước châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào tháng 9 tới.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết 51 quốc gia ở lục địa này mua được khoảng 61,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó khoảng 48,6 triệu liều đã được tiêm cho người dân. Tuy nhiên, ngay cả những nước đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng tương đối tốt cũng phải đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn vì cạn kiệt nguồn dự trữ vaccine. Sao Tome và Principe, Maroc, Kenya, Cote d'Ivoire, Ghana và Libya hiện đã sử dụng hơn 90% lượng vaccine trong kho dự trữ. Giám đốc CDC châu Phi John N. Nkengasong nói rằng châu Phi đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm vaccine khi mà COVID-19 đã vượt lên trước so với tốc độ tiêm phòng. Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti, châu Phi cần khẩn cấp 1 triệu liều vaccine.
Câu chuyện thiếu vaccine dẫn tới số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng không chỉ xảy ra ở riêng châu Phi. “Việc tiêm vaccine đang diễn ra quá chậm”. Cô Maria Victoria Castillo, 33 tuổi, người Colombia cay đắng thốt lên sau khi “lưỡi hái” COVID-19 cướp đi sinh mạng người chồng thân yêu của cô.
Castillo chia sẻ cô cảm thấy rất buồn và bất lực bởi khi còn sống, chồng cô luôn trông đợi và hy vọng Chính phủ Colombia sẽ mở rộng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người trong độ tuổi của anh, song người cha của 3 đứa trẻ này đã không thể chờ đến ngày đó. Không chỉ Castillo, rất nhiều gia đình ở Colombia đang phải chịu chung nỗi đau mất đi người thân. Thống kê của Bộ Y tế Colombia cho thấy kể từ đầu năm đến nay, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận hơn 500 trường hợp tử vong mỗi ngày do COVID-19. Ngày 21/6 vừa qua, Colombia lập “kỷ lục buồn” khi 648 người không qua khỏi. Hiện số ca tử vong ở Colombia đang đứng thứ 10 thế giới, với hơn 100.000 ca.
Ngoài Colombia, hiện có tới 6 trong số 12 quốc gia Nam Mỹ, gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Peru, Suriname và Uruguay, ghi nhận số người tử vong trung bình theo ngày cao nhất thế giới. Brazil là quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Các trang mạng xã hội tại Paraguay đang dần biến thành những trang cáo phó điện tử, bởi người dân cũng chỉ còn biết bày tỏ đau buồn trực tuyến.
Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho rằng sở dĩ tỷ lệ tử vong của các nước tại khu vực này cao là do “khoảng trống” về việc tiếp cận vaccine. Tỷ lệ tiêm phòng vaccine tại cả khu vực Mỹ Latinh và Caribe, bao gồm cả các nước Nam Mỹ, hiện rất thấp, chỉ khoảng 10% trong tổng số 600 triệu người dân ở khu vực được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Khan hiếm vaccine cũng là bài toán ở châu Á. Dịch bệnh tại Thái Lan đang có dấu hiệu xấu đi khi ngày 23/6, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong trong ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 51 trường hợp. Riêng số người không qua khỏi kể từ khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba tại nước này hồi đầu tháng 4 vừa qua chiếm tới 94%, với hơn 1.650 người. Thế nhưng, ít nhất 20 bệnh viện công và tư ở thủ đô Bangkok lại buộc phải tạm ngừng chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 do thiếu hụt nguồn cung.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về vaccine ngừa COVID-19 hiện nay trên thế giới, một thực trạng nổi lên là nhiều nước nghèo và đang phát triển có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, trong khi số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ngày một gia tăng. WHO cho biết hơn 50% các quốc gia nghèo nhận vaccine phòng COVID-19 thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX không được cung cấp đủ số liều vaccine để duy trì chương trình tiêm chủng, bởi COVAX hiện đang thiếu hụt khoảng 200 triệu liều vaccine so với mục tiêu ban đầu là cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo trong năm 2021. Sự thiếu hụt vaccine một phần là do quá trình sản xuất chậm trễ cũng như nguồn cung từ Ấn Độ bị gián đoạn, đồng thời nhiều nước giàu đã tích trữ lượng lớn vaccine.
Trên thực tế, hơn 75% tổng lượng vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu chỉ dồn vào 10 quốc gia. Vì vậy, dù thế giới đã tiêm được 2,8 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, tương đương 40,5 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày và ít nhất 22,2% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, song tỷ lệ người dân ở các nước có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 liều vaccine chỉ chiếm có 0,9%. Ở những nước có thu nhập cao nhất theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), cứ 100 dân thì có 76 liều vaccine được sử dụng. Trong khi đó, ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, tỉ lệ này là 1 liều/100 dân..
Việc 7 cường quốc thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) cam kết hỗ trợ 1 tỷ liều vaccine cho hơn 90 nước nghèo, hay lãnh đạo các nước giàu và đại diện các hãng dược phẩm cam kết đóng góp xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine ở châu Phi hay cung cấp vaccine.., đã và đang mang lại những tia hy vọng cho việc giải “bài toán” thiếu vaccine. WHO đang thảo luận với một nhóm các công ty và tổ chức để thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine ở Nam Phi. Đây sẽ là Trung tâm công nghệ vaccine ngừa COVID-19 theo công nghệ mRNA đầu tiên tại châu Phi, với kỳ vọng cung cấp một lượng vaccine ổn định nhằm giúp châu lục này đối phó với dịch COVID-19.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine trên toàn cầu, 75% trong số đó được phân bổ thông qua cơ chế COVAX, trong đó ưu tiên cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Nam Á và Đông Nam Á, cùng với châu Phi. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 25/6 cũng thông báo nước này sẽ viện trợ 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong vấn đề phân phối công bằng vaccine. WHO và giới chuyên gia quốc tế cho rằng việc G7 cam kết chia sẻ 1 tỷ liều vaccine vẫn là quá ít và quá muộn. Ông Carl Bildt, đặc phái viên của WHO về chương trình ACT Accelerator, cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vaccine, chẩn đoán và điều trị COVID-19, lý giải để thực sự chấm dứt đại dịch, mục tiêu là phải tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số thế giới vào thời điểm các nước G7 gặp lại nhau ở Đức vào năm 2022, do đó, cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine để đạt được điều đó. Bên cạnh đó, các nước giàu cũng cần đầu tư hơn nữa giúp các nước nghèo cải thiện cơ sở hạ tầng để có thể bảo quản và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà.
Ngay cả khi trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine ở châu Phi đi vào hoạt động, nhà khoa học hàng đầu tại WHO Soumya Swaminathan ước tính có thể mất từ 9-12 tháng để những liều vaccine đầu tiên có thể được sản xuất ở Nam Phi bằng các quy trình đã được kiểm nghiệm và phê duyệt và những lô vaccine đầu tiên dự kiến chỉ có thể bắt đầu được sản xuất vào năm sau. Chưa kể, tham vọng này chưa chắc đã có thể trở thành hiện thực nếu các hãng dược phẩm lớn không chia sẻ bản quyền và công nghệ sản xuất. Cho đến nay, vấn đề này vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trên thế giới với 2 luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau.
Có một thực tế là khi thế giới vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho "bài toán" phân phối công bằng vaccine, một loạt biến thể của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện và lây lan mạnh, đe dọa cuộc sống của người dân tại nhiều nước, ngay cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Dù các loại vaccine hiện vẫn ít nhiều có tác dụng với những biến thể nguy hiểm, trong đó có biến thể Delta và Delta Plus, song chỉ có những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine mới có khả năng cao tránh được nguy cơ bệnh tiến triển nặng phải nhập viện nếu chẳng may mắc COVID-19.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã mô tả tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 là rất tồi tệ và là nguyên nhân khiến đại dịch kéo dài. Có lẽ "cuộc chạy đua" của các nghèo để tìm kiếm vaccine sẽ bớt khó khăn hơn nếu có thêm sự "tiếp sức", chia sẻ, hỗ trợ của các nước giàu. Nói cách khác, cuộc đua tiếp cận vaccine sẽ trở thành cuộc chạy tiếp sức để tất cả cùng tới đích - vượt qua đại dịch COVID-19.