Bán đảo Crimea (Crưm) một lần nữa lại rơi vào tình cảnh rắc rối, có nguy cơ trở thành "con tin" khi mâu thuẫn năng lượng giữa Moskva và Kiev lại nóng lên. Và Ukraine đã không ngại tuyên bố: Nếu Ukraine không có khí đốt, thì Crimea sẽ không có điện. Ukraine hiện mới chỉ tìm được nguồn "nhiên liệu xanh" thay thế Nga từ Slovakia. Ảnh: Reuters |
Ngày 1/7, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga chính thức cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine. Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng 1 năm qua, Nga cắt nguồn năng lượng dành cho quốc gia láng giềng vốn từng một thời được coi là người đồng minh "môi hở răng lạnh" của mình.
Hợp tác năng lượng giữa Nga và Ukraine đã bị gián đoạn sau khi các cuộc đàm phán về khí đốt giữa hai quốc gia này kết thúc hôm 30/6 tại Vienna (Áo), với Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò trung gian, mà không đạt kết quả.
Kiev đã chủ động từ chối mua khí đốt của Nga, khi hai bên không thể đi đến thống nhất về giá cũng như các điều khoản cung cấp trong quý III/2015. Nga đề nghị giảm giá 40 USD cho 1.000m3 khí đốt, trong khi Ukraine kỳ vọng được giảm 30% cho đến 200 USD từ mức giá 247 USD/1.000m3. Phía Nga khẳng định đây là một mức giá quá thấp, và Nga không thể chấp nhận.
Trong khi đó, thỏa thuận cung cấp khí đốt bổ sung giữa Tập đoàn Năng lượng quốc gia Ukraine Naftogaz và Tập đoàn khí đốt khổng lồ Nga Gazprom đã hết hạn vào ngày 30/6. Các nhà quan sát quốc tế cho rằng khi từ chối mua khí đốt của Nga, chấp nhận các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ chỉ được nối lại vào mùa thu này, tức là Kiev đã thực sự lựa chọn việc "chọc giận", mà không ngại đối đầu với Nga.
Những mất mát về kim ngạch xuất khẩu của Gazprom, thực tế sẽ chỉ là một phần thiệt hại. Một vấn đề nhạy cảm và đáng lo ngại hơn, chính là lời đe dọa từ Ukraine khi nước này có thể ngừng cung cấp điện cho bán đảo Crimea. Và có lẽ thời điểm 1/7 vừa qua, khi Gazprom đóng van cung cấp khí đốt cho Ukraine và Tập đoàn năng lượng Ukraine "Ukrenergo" dập cầu giao cắt điện lưới của bán đảo Crimea, mới chỉ là điểm khởi đầu của những rắc rối và thiệt hại lớn cho cả hai bên.
Lúc này, khi Ukraine cho biết sẽ tìm nguồn cung mới, thì Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng khẳng định Nga sẽ "không tiếp tục cung cấp khí đốt cho Ukraine dù với bất kỳ giá nào, nếu như nước này không thanh toán tiền trước".
"Cuộc chiến khí đốt" giữa Nga và Ukraine lần đầu tiên nổ ra vào giữa tháng 6 năm ngoái, khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine vì nước này chậm thanh toán tiền nợ Gazprom. Sau đó, Nga nối lại nguồn cung khí đốt với điều kiện Ukraine phải thanh toán tiền trước và theo giai đoạn.
"Cuộc chiến khí đốt" giữa Nga và Ukraine lại nổ ra lần thứ hai sau đúng một năm. Và điều đó đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung năng lượng thiết yếu này cho châu Âu, cho dù lúc này cả Nga lẫn Ukraine đều tuyên bố việc trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine cho châu Âu sẽ vẫn được tiếp tục với khối lượng đầy đủ theo điều kiện hợp đồng.
Trở lại câu chuyện với bán đảo Crimea, hiện nhà chức trách khu vực này đang khẩn trương tiến hành các biện pháp ứng phó. Bộ trưởng Nhiên liệu và Năng lượng của nước cộng hòa Crimea Yevgeny Demin khẳng định: "Mối đe dọa bị cắt điện có thể đến bất cứ lúc nào. Chúng tôi chuẩn bị các đội lưu động sẵn sàng ứng phó, và hệ thống máy phát điện di động cũng sẵn sàng".
Cần lưu ý rằng, đây là lần thứ hai, Ukraine sử dụng quân bài "cắt điện lưới" của bán đảo Crimea. Lần trước, là hồi cuối tháng 12/2014, mà nguyên nhân liên quan các vấn đề chính trị. Và hồi đó, Công ty "Inter RAO" của Nga và "Ukrinterenergo" đã ký một hợp đồng về việc xuất khẩu điện thẳng từ Nga sang Ukraine và nhất trí thiết lập một nguồn cung năng lượng đầy đủ và không bị gián đoạn đến Crimea. Và kể từ đó đến nay, các điều khoản của hợp đồng này chưa bị vi phạm.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak bày tỏ "Nga hết sức ngạc nhiên khi Ukraine muốn giá thấp hơn nhiều và điều đó không tương ứng với điều kiện thị trường hiện nay".
Chỉ trích của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak rằng việc Ukraine quyết định ngừng mua khí đốt của Nga liên quan các vấn đề chính trị, không phải không có cơ sở. Kiev tuyên bố ngừng mua khí đốt của Nga chỉ là bước khởi đầu trong quá trình cải tổ triệt để đất nước Ukraine.
Tổng thống nước này Petro Poroshenko từng tuyên bố tại nhiều diễn đàn quốc tế rằng sau 7 năm nữa Ukraine sẽ đủ điều kiện gia nhập NATO. Đây là bước đi cuối cùng để Kiev quay lưng hẳn với Nga. Rõ ràng, cả Kiev và Moskva đã chuẩn bị cho những kịch bản sắp tới và có thể thấy rõ giờ đây họ không còn nhìn về một hướng, thậm chí có những hành động thù địch.
Trở lại cuộc đàm phán tại Vienna ngày 30/6, các bên đã không thể thỏa thuận giá cho mỗi mét khối khí đốt. Dòng chảy "nhiên liệu xanh" giờ chỉ còn chảy đến Donbass, nơi lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát. Như vậy, cùng với một loạt sự việc như cắt nguồn điện cho Crimea, liên minh các nước Baltic trên một trục rời xa nước Nga... phải chăng Ukraine đang tách dần quan hệ với Nga và những thay đổi đó đang đưa họ đi về hướng Tây một cách quyết đoán.