Cuộc chiến khí đốt sau khủng hoảng Crimea

Dưới sức ép của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang gia tăng nỗ lực và đặt “lộ trình” giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga sau cuộc khủng hoảng tại Crimea. Kế hoạch này nhằm làm tê liệt ngành công nghiệp thành công nhất của Nga, trong đó tập trung củng cố nguồn cung từ Mỹ và vùng Vịnh. Ngoài ra, EU sẽ can dự sâu hơn vào các nguồn tài nguyên khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải.

 

Kể từ khi Israel phát hiện các mỏ khí đốt lớn có giá trị ước tính hơn 50 tỷ USD ngoài khơi thành phố cảng Haifa, khu vực lòng chảo phía đông Địa Trung Hải được cho là đang ẩn chứa một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Với vị trí nằm gần biên giới phía nam châu Âu, việc khai thác khí đốt tại khu vực này là lời giải lý tưởng cho bài toán EU phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, tình hình chính trị tại vùng biển này lại đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với việc xây dựng một mạng lưới đường ống quốc tế cần thiết cho việc vận chuyển khí đốt sang châu Âu.

 

Các mỏ khí đốt ở đông Địa Trung Hải liệu có thay thế được nguồn cung từ Nga cho châu Âu?

 


Việc Israel tỏ ra dè dặt đối với mọi thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian càng trở nên phức tạp hơn sau khi các mỏ khí đốt nói trên được phát hiện. Trong khi đó, EU đang âm thầm tìm cách nâng cấp quan hệ kinh tế với Israel, với mong muốn được đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định. Người Liban đang xung đột với người Israel và tranh cãi về ranh giới các mỏ khí đốt của nước láng giềng này. Dải Gaza và Ai Cập hiện ít có khả năng tự khai thác các mỏ khí đốt của mình. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận bất cứ hành động nào cho thấy Síp là một nhà nước độc lập có chủ quyền. Hiện Ankara vẫn trong tình trạng “lạnh nhạt” với Israel. Còn Syria lại đang chìm trong nội chiến.


Để EU coi các mỏ khí đốt phía đông Địa Trung Hải là nguồn cung thay thế cho các sản phẩm của Nga, sẽ phải có một mạng lưới hợp tác trong khu vực. Tuy nhiên, điều này còn quá xa vời. Nga nhận thức rất rõ thực tế này và đang triển khai các biện pháp riêng ở phía đông Địa Trung Hải. Trong nửa cuối năm 2013, Nga đã tham gia cuộc tranh giành kiểm soát các nguồn khí đốt trong khu vực. Hiện hơn 75% sản lượng khí đốt của Nga được xuất sang Tây Âu và hơn một nửa trong số đó được vận chuyển qua các đường ống đặt trên lãnh thổ Ukraine. Nga rất muốn bảo vệ mối quan hệ có lợi này với EU. Tháng 12/2013, Nga đã ký kết với Syria và Palestine các thỏa thuận khai thác và xuất khẩu khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải.


Trong nỗ lực ngoại giao nghiêm túc đầu tiên trong 10 năm qua để giải quyết vấn đề Síp, Mỹ đã đóng vai trò hàng đầu trong việc môi giới một thỏa thuận thống nhất hòn đảo này nhằm đẩy Nga ra khỏi khu vực. Lý do phía sau sự can dự ngày càng tăng của Washington rất rõ ràng: một thỏa thuận hòa bình lâu dài cho đảo Síp sẽ tạo điều kiện xây dựng các đường ống vận chuyển năng lượng kết nối Síp, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel với châu Âu. Theo tính toán, việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Síp sẽ tạo cho EU và Mỹ cơ hội tốt nhất để kiểm soát các nguồn năng lượng ở phía đông Địa Trung Hải.


Một thế lực quan trọng khác là Thổ Nhĩ Kỳ. Với việc đưa vào sử dụng một tàu tấn công đổ bộ đa năng (có thể được sử dụng như một tàu sân bay) vào tháng 12/2013, Thổ Nhĩ Kỳ muốn nhấn mạnh khả năng kiểm soát biển của mình trước mọi dự án đường ống tương lai. Trong khi đó, thỏa thuận hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel - điều kiện tiên quyết để có đường ống dẫn khí đốt sang EU - hiện vẫn rất khó đạt được.


Một cuộc chiến tranh lạnh mới liên quan đến nguồn khí đốt đang hình thành ở phía đông Địa Trung Hải. Năm 2015, Israel dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận tự do thương mại với Nga và thành lập liên doanh với hãng Gazprom - người khổng lồ năng lượng, trong đó Moskva nắm giữ cổ phần chi phối. Nếu thỏa thuận này được ký kết, EU có thể sẽ cảm thấy ngày càng bị siết chặt hơn.


Hữu Chiến (Theo National)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN