Quyết định của chính quyền tỉnh Okinawa trong việc cấp giấy phép xây dựng một căn cứ Thủy quân lục chiến Mỹ trên một bãi rác ngoài khơi, gần khu làng Henoko đang được ca ngợi là bước đột phá trong mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật. Động thái này phá vỡ bế tắc trong khi nhiều người Nhật phản đối việc tái triển khai một sân bay quân sự của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tại Futenma mà năm 1996, chính phủ đã đồng ý đóng cửa.Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ trong một khóa huấn luyện tại Okinawa, Nhật Bản. |
Mỹ cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp tăng cường chiến lược “tái cân bằng” của mình tới châu Á và cho phép Washington hiện diện lâu dài ở đó. Nhiều chuyên gia thì nhận định, quyết định xây dựng căn cứ quân sự trên bãi rác trên đã giải quyết được những tranh cãi xung quanh việc triển khai quân đội tại Futenma một lần nữa đối với tất cả các bên và giúp cho Tokyo và Washington tập trung vào việc tăng cường hợp tác an ninh giữa hai bên nhằm kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nhưng đây là một kế hoạch ít tính khả thi, ít nhất là trong trung hạn. Futenma sẽ không thể bị đóng cửa sớm vì bất cứ lý do gì. Phải mất hơn 17 năm để có những bước đi cụ thể đầu tiên hướng tới việc đóng cửa căn cứ Futenma, và giấy phép di dời căn cứ quân sự đến bãi rác trên chỉ là khởi đầu của quá trình di dời Căn cứ không quân Thủy quân lục chiến Mỹ (MCAS) – chứ không phải là sự kết thúc. Kế hoạch tái bố trí căn cứ (dù ở trong nước hay ở nước ngoài) là một quá trình khó khăn và lâu dài khiến cho nó rất có thể bị thay đổi và thậm chí là đảo ngược. Và với khoảng thời gian cần thiết để xây dựng một sân bay quân sự tại Henoko, thì những tranh cãi về Futenma vẫn sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất là một thập kỷ tới.
Trong khi đó, tâm lý phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa ngày tăng trở lại trong dân chúng Nhật Bản, cao trào nhất là vào năm 1995, khi ba quân nhân Mỹ hãm hiếp dã man một cô gái 12 tuổi tại Okinawa. Tội ác ghê tởm này cùng một số vụ việc trước đây đã thổi bùng sự phẫn nộ của người dân Nhật Bản và dẫn đến một phong trào đòi Mỹ rút hết quân đội của mình khỏi nước này.
Trong một nỗ lực làm giảm sự căng thẳng, Washington và Tokyo đã thành lập Ủy ban Hành động đặc biệt trên đảo Okinawa (SACO) với nhiệm vụ nghiên cứu một kế hoạch từng bước rút dần sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây. Năm 1996, SACO đề xuất kế hoạch di chuyển nhiều căn cứ tới khu vực thưa dân cư hơn tại khu vực phía bắc của đảo này. Trong báo cáo trên, SACO đưa ra sáng kiến đóng cửa căn cứ gây tranh cãi MCAS Futenma vốn nằm giữa khu vực đông dân cư của thành phố Ginowan và tìm một sân bay thích hợp khác thay thế, nhưng sáng kiến này vẫn không được thực hiện.
Mọi việc cơ bản vẫn dậm chân tại chỗ cho đến năm 2004, khi một máy bay trực thăng của Thủy quân lục chiến Mỹ tại Futenma đâm vào trường Đại học quốc tế Okinawa - một thảm kịch đã hồi sinh những nỗ lực để di chuyển căn cứ không quân đến một địa điểm an toàn hơn.
Năm 2006, Tokyo và Washington đã đạt được thỏa thuận mới hay còn gọi là: “Lộ trình Tái bố trí quân đội”, bao gồm việc di chuyển 8.000 lính thủy đánh bộ cùng với gia đình họ (khoảng 9.000 người) tới đảo Guam, nhưng chỉ sau khi các cơ sở vật chất quân sự (trong đó có sân bay) của Futenma sẽ được chuyển đến căn cứ Hải quân Schwab ở vùng Henoko cũng thuộc tỉnh Okinawa. Tuy nhiên, thỏa thuận này sau đó bị đình trệ. Năm 2009, ông Yukio Hatoyama của Đảng Dân chủ Nhật Bản đã trở thành Thủ tướng do cam kết sẽ di dời căn cứ Futenma ra ngoài Okinawa trong chiến dịch tranh cử của mình. Rốt cuộc, lời hứa của ông Hatoyama cũng không thể thực hiện.
Sau khi trở thành thủ tướng vào tháng 12/2012, ông Shinzo Abe của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã tìm cách thực hiện những cải cách quốc phòng sâu rộng để Tokyo có thể áp dụng một chính sách quốc phòng “chủ động” hơn nhằm đối trọng với khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Một phần quan trọng của chiến lược quốc phòng của ông Abe là tăng cường liên minh Nhật - Mỹ.
Sân bay quân sự Mỹ tại Futenma, Okinawa. |
Để củng cố mối quan hệ với Washington, Abe đã đề nghị Tỉnh trưởng Okinawa Hirokazu Nakaima chấp thuận việc thi công san lấp mặt bằng để xây dựng căn cứ không quân mới ở ven biển thuộc địa phận Nago của tỉnh này để thay thế căn cứ Futenma kèm theo cam kết của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cung cấp một gói biện pháp nhằm giảm gánh nặng chi phí của tỉnh Okinawa cho việc duy trì các căn cứ Mỹ tại tỉnh này, đồng thời hỗ trợ tài chính để kích thích kinh tế tỉnh. Gói biện pháp này trị giá ít nhất 300 tỷ yen (2,9 tỷ USD) mỗi năm cho đến tài khóa 2021, trong đó cũng bao gồm việc giảm các hoạt động tại Futenma trong vòng 5 năm và sớm trao trả đất cho tỉnh.
Mặc dù Tokyo đã thành công trong việc thuyết phục tỉnh trưởng Nakaima ký giấy phép để chuyển căn cứ không quân Futenma tới đây, nhưng sau đó ông Nakaima đã bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch này và cho rằng "di chuyển các cơ sở vật chất quân sự ra bên ngoài Okinawa sẽ tốt hơn".
Đóng cửa căn cứ Futenma và di chuyển các cơ sở vật chất của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đến Henoko sẽ mất ít nhất 10 - 15 năm trong điều kiện thuận lợi. Ví dụ, Lầu Năm Góc đã phải mất hơn 10 năm để xây dựng một sân bay tương tự ngoài khơi tại căn cứ không quân Iwakuni, bắt đầu năm 1997. Dự án này cũng có ít nhiều gây tranh cãi tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, chưa kể những người phản đối kế hoạch trên sẽ tổ chức biểu tình vì cho rằng sự di chuyển cùng với việc xây dựng mới sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của khu vực.
Trên thực tế, giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến liên quan đến vấn đề Futenma có thể bắt đầu trong vài tuần tới khi thành phố Nago, trong đó có cả Henoko, tiến hành cuộc bầu cử thị trưởng. Nếu thị trưởng đương nhiệm của thành phố Nago, Susumu Inamine tiếp tục thắng cử (hiện nay xuất hiện nhiều khả năng), nó sẽ tiếp tục thổi bùng phong trào phản đối việc di chuyển căn cứ quân sự trên và tăng áp lực trong việc xem xét lại sự lựa chọn tới Henoko. Trong bối cảnh đó, Futenma có thể vẫn là sân bay quân sự "đang đóng cửa từ năm 1996", ở tương lai gần.
Do đó, cho dù Lầu Năm Góc vẫn cam kết Henoko là cơ sở thay thế Futenma, thì các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải tránh tự mãn và nhận thấy rằng sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để kế hoạch xây dựng sân bay quân sự ở Henoko được triển khai. Ngoài ra, nếu quá trình di chuyển căn cứ Futenma một lần nữa gặp bế tắc, Washington và Tokyo có thể cần phải quay trở lại bàn đàm phán và xem xét các lựa chọn khác.
CT (Theo N.I)