Cuộc chiến quyền lực giữa Iran và Mỹ tại Vịnh Pécxích

Theo mạng tin "Oil price" ngày 18/3, Iran hiện là nước sản xuất dầu thô lớn thứ 5 thế giới, lớn thứ 2 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới. Năm 2011, trong tổng sản lượng 3,5 triệu thùng dầu/ngày của Iran, thì 2,285 triệu thùng được xuất khẩu. Châu Á là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dầu mỏ Iran, với 1,5 triệu thùng/ngày, với lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc là 0,55 triệu thùng/ngày. Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng là các đối tác thương mại quan trọng. Lượng dầu xuất khẩu sang các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại châu Âu là 0,8 triệu thùng/ngày và Thổ Nhĩ Kỳ là 0,2 triệu thùng/ngày (50% nhu cầu của nước này).


Sơ đồ Vịnh Pécxích. Nguồn: Internet.


Ngày 31/12/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn một đạo luật nhằm tăng cường áp lực đối với Iran. Các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại ngân hàng trung ương và khu vực tài chính Iran có nghĩa là các ngân hàng quốc tế sẽ bị loại trừ khỏi hệ thống đồng USD nếu họ duy trì các quan hệ làm ăn với Ngân hàng trung ương Iran.

Điều này dẫn đến việc cô lập ngay lập tức Iran khỏi hệ thống đồng USD. Do thiếu đồng USD, đồng rial của Iran đã bị mất giá tới 30% so với đồng USD chỉ trong vòng vài ngày. Do sự phụ thuộc mạnh vào nhập khẩu trong hầu hết các ngành kinh tế, lạm phát đang bắt đầu trở thành siêu lạm phát. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế đã bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Do không thể thanh toán cho việc nhập khẩu hàng hóa, nhập khẩu lương thực hiện được trả bằng vàng. Dầu xuất khẩu cũng đang được đổi lấy các mặt hàng khác. Giá gạo đã tăng gấp đôi kể từ khi bắt đầu các lệnh trừng phạt, trong khi giá ngô tăng gấp ba. Người ta hầu như không thể mua được ngoại tệ tại thị trường chợ đen. Các ngân hàng Iran đã tăng lãi suất lên 20% để làm chậm tốc độ rút tiền khỏi ngân hàng.

Chính phủ Iran biết rằng mức độ bất bình do việc giá lương thực và nhiên liệu tăng mạnh là rất lớn và có thể sớm leo thang. Phe đối lập có thể kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình lớn, do đó tình hình có thể tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới. Chỉ trong vòng vài tuần, Mỹ đã cô lập Iran khỏi khu vực ngân hàng quốc tế, phá hủy đồng nội tệ và châm ngòi cho siêu lạm phát tại nước này. Về chiến lược quân sự, Mỹ dường như sao chép nhiều chi tiết của lệnh cấm vận dầu mỏ chống lại Nhật Bản, được ban hành ngày 25/7/1941.

Từ ngày 1/7 tới, Liên minh châu Âu (EU) cũng áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Iran. Việc chuyển thiết bị cho ngành dầu mỏ và đầu tư vào các công ty dầu mỏ Iran cũng bị cấm. Và lần đầu tiên, các biện pháp trừng phạt chống lại Ngân hàng trung ương Iran cũng được áp đặt: Các tài sản của ngân hàng này tại EU bị phong tỏa.

Phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng các lệnh trừng phạt này cuối cùng sẽ biến thành các khoản trợ cấp giá dầu cho các khách hàng châu Á của Iran. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ rất vui mừng được hưởng các điều khoản hời hơn so với các nhà nhập khẩu châu Âu.

Hậu quả sẽ không chỉ làm hại Iran, mà toàn thế giới. Lịch sử đã chứng minh quan điểm này. Cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973, cuộc cách mạng Iran năm 1978, cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất từ tháng 8/1990 đều dẫn tới việc sản lượng dầu mỏ toàn cầu giảm 4-7%. Hậu quả là giá dầu tăng khoảng 30-70%. Sau mỗi cuộc chiến tranh đều là sự suy thoái tại Mỹ.

Các lệnh trừng phạt cũng dẫn tới xu hướng giảm sản lượng dầu của Iran. Một loạt giám đốc dự án nước ngoài sẽ rời Iran và việc tiếp cận vốn, công nghệ và nguồn nhân lực sẽ dần cạn kiệt. Theo cơ quan dầu lửa quốc gia Iran, mỗi năm nước này cần khoản đầu tư 30 tỷ USD để đạt được mục tiêu sản lượng 5,15 triệu thùng/ngày vào năm 2016. Khoản đầu tư này là phi hiện thực, do đó sản lượng dầu mỏ của Iran dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3 triệu thùng/ngày vào năm 2014. Nếu nhu cầu trong nước tiếp tục tăng nhanh như trước đây, xuất khẩu dầu mỏ vào năm 2015 của Iran sẽ giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày.

TTK
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN