Vài ngày trước, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ mở rộng danh sách trừng phạt các công ty Trung Quốc với cáo buộc có liên hệ với quân đội hoặc do quân đội nước này nắm quyền kiểm soát. Trong số những cái tên được nhắc tới nổi lên tập đoàn chế tạo chip SMIC và Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). Nếu biến tuyên bố thành sự thật, ông Trump sẽ tạo ra hiệu ứng “leo thang căng thẳng với Bắc Kinh” trước thời điểm ông Joe Biden lên nắm quyền tại Nhà Trắng.
Thời điểm khởi xướng đòn đánh mới mang đậm tính toán chính trị, nhưng nó không phải là sự kiện đơn lẻ, bất chợt, đặt trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đã bị cuốn vào một cuộc đua tranh quyền lực trong nhiều năm. Trừng phạt bổ sung một công ty dầu khí lớn của Trung Quốc cũng lại là điểm thu hút sự chú ý riêng, thể hiện rõ ý đồ mới của ông Trump: Dầu mỏ và khí đốt là phần không thể tách rời trong cạnh tranh địa chính trị ngày một lộ rõ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Năng lượng chính là biến số lớn nhất trong tham vọng vươn tới vị thế siêu cường của Trung Quốc. Đây cũng đồng thời là bệ phóng lớn nhất, hoặc là rào cản lớn nhất đối với Trung Quốc tùy theo cách Bắc Kinh sử dụng con bài này ra sao.
An ninh năng lượng là một trong những lo ngại lớn nhất của Trung Quốc, đóng vai trò định hướng các động thái chính trị của Bắc Kinh trong những năm gần đây: Từ việc dè chừng áp thuế đối với mặt hàng năng lượng nhập khẩu từ Mỹ tại thời điểm chiến tranh thương mại giữa hai nước lên tới đỉnh điểm, cho đến đầu tư nguồn lực tài chính lớn cho năng lượng sạch, năng lượng xanh, nhưng cũng đồng thời tăng mạnh sản lượng than khai thác trong nước.
Bên cạnh việc thực thi các biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng trong nước, Trung Quốc cũng rất bận rộn mở rộng thế thống trị năng lượng cùng khu vực ảnh hưởng địa chính trị trên toàn cầu, tiến mạnh sang các thị trường mới có nhu cầu sử dụng năng lượng than đá và hạt nhân. Chính việc Bắc Kinh ráo riết tìm cách thống trị các khu vực năng lượng toàn cầu là một nhân tố chính đẩy căng đối đầu Mỹ-Trung, trong đó có cuộc chiến về xuất khẩu.
Việc Mỹ đưa CNOOC vào “danh sách đen” trừng phạt có thể là một tín hiệu cảnh báo về một kỉ nguyên đối đầu căng thẳng hơn trong quan hệ Mỹ-Trung, mối quan hệ có đặc trưng là yếu tố cạnh tranh quyền lực liên miên. Ông Dan Yergin, Phó Chủ tịch hãng tư vấn HIS Markit cảnh báo, động thái này có thể là bước then chốt đẩy nhanh tiến trình phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Tình hình đáng báo động. Chúng ta đang chứng kiến đối đầu vòng xoáy, không còn chỗ để nói đến can dự, điều phối hay quan hệ mang tính hợp tác. Đó là cạnh tranh quyền lực, canh tranh chiến lược giữa hai siêu cường. Quan hệ Mỹ-Trung sẽ là nan đề chính trị lớn nhất mà ông Joe Biden sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới đây”, ông Dan Yergin chia sẻ đánh giá trên kênh CNBC.
Cuộc đua giữa một bên là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới (Mỹ) với một bên là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất toàn cầu (Trung Quốc) sẽ có tác động lớn đến toàn bộ thị trường năng lượng thế giới cũng như nền kinh tế toàn cầu nói chung. Nó xảy ra ở thời điểm thị trường dầu mỏ đang ở trạng thái dễ bị tổn thương, bất ổn nhất trong lịch sử do tác động của đại dịch COVID-19, gây ra những đứt gãy về cung cầu.
Đây đang là kỉ nguyên chưa có tiền lệ, đầy bất trắc với ngành năng lượng. Một cú bứt tốc trong cuộc chiến thương mại năng lượng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là tác nhân gây bất ổn tiềm tàng trên quy mô toàn cầu. Thách thức nổi lên hiện nay là phải tìm ra được giải pháp xử lý ổn thỏa mối nguy này, không đẩy thế giới lâm vào suy thoái kinh tế. Trách nhiệm nặng nề đang dồn lên vai ông Biden, bởi như Dan Yergin nhận định: “Chính quyền ông Trump ở thời điểm hiện nay đang tạo ra một loạt những bãi mìn, cài thách thức để chào đón chính quyền của ông Joe Biden”.