Theo bình luận của tờ Jerusalem Post ngày 8/4, “kinh ngạc” là từ duy nhất thích hợp cho quyết định rút quân khỏi Khan Yunis ở phía Nam Gaza của Israel hôm 7/4.
Một số quan chức chính trị và quốc phòng đã cố gắng giải thích về quyết định này, coi việc rút quân là một phần trong quá trình chuẩn bị tiến hành chiến dịch tiến vào Rafah. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hôm 7/4 thông báo rằng “các lực lượng Israel đã rời” Dải Gaza “và đang chuẩn bị cho các nhiệm vụ trong tương lai” tới Rafah.
Trong hai tháng qua, việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) duy trì các đơn vị của họ ở Khan Yunis là nhằm "bóp nghẹt" Hamas và gia tăng áp lực đến mức phải đồng ý một thỏa thuận thả con tin.
Nhưng việc rút lực lượng khỏi Khan Yunis sẽ là sự kết thúc chiến lược này và là một sự thừa nhận nhượng bộ. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là các con tin sẽ không được giải phóng. IDF đã đánh bại Hamas ở cả phía bắc và phía nam Gaza, phá hủy phần lớn mạng lưới đường hầm của tổ chức này và tiêu diệt nhiều chỉ huy cấp cao của nhóm.
Việc rút khỏi Khan Yunis lúc này không phủ nhận những thành tựu to lớn đó, vốn khiến Hamas suy giảm lớn về năng lực quân sự.
Nhưng giờ đây, Israel sẽ cần một chiến lược mới hoặc có những nhượng bộ lớn hơn với Hamas để giải thoát nhiều con tin hơn, bao gồm cả việc mở cửa cho phía bắc khu vực này.
Hơn nữa, nếu IDF không có sự hiện diện ở Khan Yunis, một lượng lớn dân thường Palestine có thể tự nguyện rời Rafah và quay trở lại đó mà không cần phải sơ tán chính thức.
Điều này có thể làm giảm bớt những lo ngại của Mỹ về việc liệu Israel có thể sơ tán thành công 1,4 triệu thường dân Palestine hay không.
Hành động mới nhất của IDF diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4/4.
Trong vòng vài giờ sau cuộc điện đàm, Thủ tướng Netanyahu đã cho phép mở cửa khẩu Erez Crossing giữa Israel và Gaza để chuyển viện trợ nhân đạo, nơi chưa từng được mở lại sau khi Hamas tấn công vào miền Nam Israel ngày 7/10 năm ngoái.
Ông Netanyahu cũng đã mở cảng Ashdod để chuyển hàng viện trợ nhân đạo, một hành động khác mà nhà lãnh đạo Israel từng tuyên bố sẽ không bao giờ thực hiện.
Đến ngày 5/4, IDF đã sa thải hoặc cách chức một số sĩ quan cấp cao dưới áp lực của Mỹ và cộng đồng quốc tế vì đã giết chết 7 nhân viên cứu trợ. Và hôm 7/4, quân đội Israel bất ngờ rút khỏi phía Nam Gaza.
Có thể lập luận rằng nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thay đổi căn bản trên là do áp lực từ Mỹ và sự thay đổi đó là thừa nhận rằng chiến lược cũ trong nhiều tháng đã thất bại.
Bên cạnh đó, còn có nguồn tin bên ngoài cho rằng đây là một phần của thỏa thuận bí mật không chính thức kiểu "Khủng hoảng tên lửa Cuba", trong đó nếu IDF rút khỏi phía Nam Gaza, Hamas sẽ có thể sẽ nhượng bộ IDF về con tin và ở phía Bắc Gaza.
Câu hỏi lớn hiện nay là liệu sự thay đổi này có đủ để duy trì sự ủng hộ của Mỹ đối với việc tấn công Rafah hay liệu Mỹ có thể đã buộc Israel phải đạt được thỏa thuận con tin hay không, ngay cả khi điều đó có khả năng làm suy yếu việc đánh bại Hamas.
Theo logic này, Mỹ đã ủng hộ Israel trong gần sáu tháng bất chấp việc 33.000 người Palestine đã thiệt mạng, nhưng cuối cùng đã đạt đến điểm đột phá.
Trong khi tìm câu trả lời cho các vấn đề trên, Hamas ít nhất sẽ có thể khôi phục một số quyền quản lý của mình ở phía Nam Gaza đơn giản vì Israel chưa bao giờ quyết định cho phép bất kỳ ai khác vào tiếp quản.
Đồng quan điểm trên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng, Hamas và các lực lượng dân quân Palestine khác có thể sẽ tận dụng việc Israel rút quân để khẳng định lại quyền cai trị của Hamas xung quanh Khan Younis.
Trong khi đó, các nguồn tin giấu tên của Israel tuyên bố rằng việc IDF rút khỏi phía Nam Dải Gaza sẽ cho phép những người Palestine di dời ở Rafah di cư đến các khu vực của Khan Younis và trung tâm Dải Gaza. Việc người Palestine di cư từ Rafah đến các khu vực khác của Dải Gaza sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch "làm sạch" của Israel ở Rafah.