Ông Netanyahu đã đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Israel 4 nhiệm kỳ với tổng thời gian nắm quyền hơn 13 năm, vượt qua cả Thủ tướng đầu tiên David Ben-Gurion, người đóng vai trò quan trọng trong thành lập Nhà nước Israel.
Ông Netanyahu tìm kiếm nhiệm kỳ thủ tướng thứ năm trong bối cảnh phải đương đầu với áp lực chính trị lớn khi Tổng Chưởng lý Israel Avichai-Mendelblit đang xúc tiến kế hoạch truy tố ông trong 3 vụ án tham nhũng lớn gồm "vụ 1000", "vụ 2000" và "vụ 4000".
Mặc dù Thủ tướng Netanyahu gọi đây là âm mưu chính trị, là chiến dịch “săn phù thủy” để đánh bại ông trong bầu cử, nhưng động thái của Tổng Chưởng lý Avichai-Mendelblit trên thực tế đã gây rất nhiều khó khăn cho ông trong mục tiêu tiếp tục cầm quyền tại Israel.
Theo luật Israel, cử tri không bầu chọn trực tiếp thủ tướng mà bầu cho đảng chính trị đã được chốt danh sách trước đó. Một đảng chính trị bắt buộc phải giành được ít nhất 3,25% số phiếu (tương đương 4 ghế trong Quốc hội 120 ghế) mới được thừa nhận là có ghế trong quốc hội và các đảng chính trị được quyền liên minh với nhau để tập hợp phiếu bầu.
Kết quả bầu cử quốc hội là giai đoạn đầu trong việc lựa chọn thủ tướng để thành lập chính phủ mới. Một đảng chính trị giành được 61 ghế trở lên có quyền thành lập chính phủ không cần liên minh, nhưng từ trước đến nay, chưa có đảng chính trị nào tại Israel giành được hơn 61 ghế trong quốc hội. Luật cũng quy định tất cả các đảng có ghế trong quốc hội được đề cử ứng cử viên thủ tướng, sau đó sẽ đệ trình danh sách ứng cử viên này lên tổng thống quyết định.
Trên thực tế, do đã hình thành các khối liên minh tương đối trước thời điểm bầu cử, nên khối liên minh nào giành được tổng số ghế lớn hơn trong quốc hội sẽ có lợi thế đề cử thủ tướng để thành lập chính phủ mới.
Tổng thống Israel không bắt buộc phải lựa chọn lãnh đạo của đảng có nhiều ghế nhất trong quốc hội làm ứng cử viên thủ tướng nếu đảng đó không đủ khả năng liên minh với các đảng khác để thành lập chính phủ.
Ứng cử viên thủ tướng được chọn sẽ tiến hành thành lập chính phủ liên minh trong 42 ngày (28 ngày chính thức và 14 ngày kéo dài). Nếu ứng cử viên này không thể tập hợp đủ sự ủng hộ của ít nhất 61 nghị sỹ trong quốc hội, tổng thống sẽ chọn ứng cử viên khác để thành lập chính phủ liên minh. Ứng cử viên thứ hai chỉ có 28 ngày để thành lập chính phủ liên minh (không có kéo dài), và trong trường hợp người này thất bại, thời hạn cho ứng cử viên thứ ba là 14 ngày. Nếu ứng cử viên thứ ba tiếp tục thất bại, quốc hội sẽ bị giải tán để tổ chức bầu cử lại trong thời hạn 90 ngày sau đó.
Tại cuộc bầu cử lần này, đối thủ chính của Thủ tướng Netanyahu là ông Benny Gantz, 59 tuổi, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội, Chủ tịch đảng Xanh - Trắng, đảng liên minh mới được thành lập tháng 2/2019.
Ông Benny-Gantz nêu khẩu hiệu “Enough is enough” (tạm dịch: Đủ rồi) để thuyết phục cử tri chọn một lãnh đạo mới cho đất nước, cho rằng ông Netanyahu nên dừng lại vì các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền. Ông Benny-Gantz và đảng Xanh - Trắng cũng tập trung thuyết phục cử tri về những thay đổi đối với đất nước nếu ông trở thành thủ tướng, như sửa đổi luật quốc gia - nhà nước (được liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu thông qua năm 2018), thúc đẩy đối thoại với các lãnh đạo Arab để giải quyết vấn đề Palestine, bảo vệ lợi ích an ninh của Israel, quân đội tự do hành động bất cứ tại đâu, không đơn phương rút khỏi một số khu định cư tại Bờ Tây, trưng cầu dân ý các quyết định ngoại giao quan trọng và phải được quốc hội thông qua, tiếp tục củng cố các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, thung lũng Jordan là biên giới an ninh phía Đông của Israel, Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel, duy trì đặc trưng Do Thái của Israel...
Tuy nhiên, các nội dung ông Benny-Gantz đưa ra được đánh giá là chưa tạo ra đủ đặc sắc, nhất là chương trình kinh tế, để thuyết phục được cử tri cánh hữu quay sang ủng hộ ông, cũng như chưa đủ giúp đảng Xanh - Trắng giành được số ghế cách biệt đủ lớn so với đảng Likud để chiếm lợi thế trong thành lập chính phủ liên minh.
Điểm yếu của ông Benny-Gantz là chưa có nhiều kinh nghiệm chính trường, đảng Xanh - Trắng mới được thành lập, chưa được thử thách. Dù vậy, kết quả cuộc khảo sát do Viện Dân chủ Israel thực hiện cuối tháng 3 vừa qua cho thấy Tướng Benny Gantz giành được sự ủng hộ của bộ phận cử tri cao tuổi.
Trái lại, Thủ tướng Netanyahu, với kinh nghiệm chính trường lâu năm, và đảng Likud cầm quyền tiếp tục đặt vấn đề an ninh quốc gia làm trọng tâm trong chính sách tranh cử để duy trì sự hậu thuẫn của cử tri cánh hữu.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri cánh hữu đánh giá cao Thủ tướng Netanyahu khi ông nêu lập trường "Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel", thung lũng Jordan sẽ tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của Israel cho dù Palestine khẳng định chủ quyền đối với khu vực này.
Ngay sát thời điểm bầu cử, ông Netanyahu tuyên bố sẽ mở rộng chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây nếu ông tái đắc cử. Bên cạnh đó, các động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này và mới nhất là công nhận chủ quyền Cao nguyên Golan thuộc về Israel cũng được đánh giá là "cú hích" quan trọng giúp ông Netanyahu và đảng Likud gia tăng sự ủng hộ của cử tri.
Ngoài ra, những dấu ấn tích cực trong tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp thấp, thu nhập bình quân đầu người tăng, thâm hụt ngân sách được kiểm soát, lĩnh vực khoa học công nghệ với các hợp đồng tỷ đô la Mỹ, du lịch ngày càng phát triển, mối quan hệ giữa Israel và các nước Arab được cải thiện… cũng là các điểm sáng giúp ông Netanyahu và đảng Likud ghi điểm đối với cử tri trung dung, cũng như lực lượng cử tri trẻ.
Chính trường Israel hiện tại cơ bản chia làm hai khối là khối trung tả và khối cánh hữu. Theo kết quả thăm dò dư luận, khối trung tả do ông Benny-Gantz đứng đầu gồm các đảng Xanh - Trắng, Công đảng, Hadash-Taal, Raam-Balad, Meretz… dự kiến giành được tổng cộng khoảng 54 ghế.
Khối cánh hữu gồm đảng Likud, các đảng cánh hữu (United Right List, United Torah Judaism, Shas, New Right), các đảng có khuynh hướng cánh hữu (Zehut, Kulanu) có thể giành được tổng cộng 66 ghế. Kết quả này sẽ tạo thuận lợi cho Thủ tướng Netanyahu và đảng Likud trong việc thành lập chính phủ mới, bất chấp đảng Likud có thể giành được ít ghế hơn đảng Xanh - Trắng.
Hiện ông Netanyahu vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố, trong trường hợp này, ông buộc phải rời ghế thủ tướng cho dù khối cánh hữu chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9/4. Tuy nhiên, ông có thể tránh được bị truy tố nếu quốc hội thông qua điều luật cho phép miễn trừ truy tố một thủ tướng đương nhiệm.
Mặc dù đảng Likud và Thủ tướng Netanyahu có được những lợi thế nhất định trước ngày bầu cử, song hiện chính trường Israel có nhiều đảng nhỏ tham gia cả phe cánh tả và cánh hữu. Điều đó tạo nên những yếu tố bất ngờ, khiến việc dự đoán kết quả cuộc bầu cử trở nên khó khăn.