Đã đến lúc Canada cần lên tiếng về vấn đề Biển Đông

Lâu nay, Canada luôn thực thi chính sách im lặng trong vấn đề Biển Đông vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, giờ là lúc quốc gia Bắc Mỹ này cần phá vỡ sự im lặng trên để không chỉ can dự tốt hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà còn tìm kiếm cơ hội tham gia vào các thể chế xây dựng cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực.

Kể từ khi lên nắm quyền tháng 11 năm ngoái sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử, Chính phủ Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau đã đẩy mạnh chính sách can dự vào các vấn đề quốc tế để lấy lại hình ảnh cũng như vị thế của Canada trước đây.

Canada đã triển khai khoảng 2.500 binh sĩ tới chiến trường Afghanistan, tăng gấp 3 số lượng binh sĩ làm công tác hỗ trợ huấn luyện và hậu cần ở Iraq, điều 1.000 quân tới đồn trú Latvia và nhận trách nhiệm chỉ huy lực lượng đa quốc gia của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tăng cường tới quốc gia Baltic này. Tất cả những hoạt động này đang góp phần tạo nên một hình ảnh Canada năng động và có trách nhiệm, rất khác so với trước đây.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trong cuộc họp báo ở Ottawa ngày 20/10/2015. Ảnh: EPA/TTXVN

“Là một đối tác có trách nhiệm trên thế giới, Canada đang sát cánh với các đồng minh NATO để ngăn chặn những hành động gây hấn và đảm bảo hòa bình, ổn định ở châu Âu”, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan nhấn mạnh trong bản thông cáo báo chí.

Tất nhiên, bên cạnh những trách nhiệm và yếu tố chính trị được Bộ trưởng Sajjan đề cập ở trên, còn có một điểm cơ bản khác là những lợi ích kinh tế và chiến lược mà Canada đang được hưởng từ hòa bình và ổn định ở châu Âu. Vì thế, Canada đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga với lý do những hành động của nước này ở bán đảo Crimea và miền Đông Ukraine đang gây đe dọa cho trật tự và hòa bình khu vực.

Nhưng ở châu Á – Thái Bình Dương nơi Canada cũng sẽ là một thành viên quan trọng sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực, Ottawa lại áp dụng cách thức tiếp cận khác: “giữ im lặng”. Theo nghiên cứu sinh tiến sĩ Dave Beitelman tại Đại học Dalhousie, mặc dù hoàn cảnh và bối cảnh lịch sử của những thách thức do Nga tạo ra ở Đông Âu khác với những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng tính bức thiết của hai vấn đề lại giống nhau.

“Trung Quốc đang tạo ra những thách thức đe dọa hòa bình, ổn định và trật tự thế giới với những căng thẳng ở châu Á – Thái Bình Dương và trọng tâm chính là Biển Đông”, học giả Beitelman viết trong loạt bài “Phá vỡ sự im lặng: Vì sao Canada cần lên tiếng trong vấn đề Biển Đông” đăng trên trang web của Viện các hiệp hội quốc phòng (CDA Institute) gần đây.

Theo Beitelman, cả Nga và Trung Quốc đều đang sử dụng các lực lượng ủy nhiệm gây gia tăng căng thẳng. Với Nga, đó là “lực lượng tình nguyện” và những thành phần không chính thức khác thực thi nhiệm vụ sáp nhập Crimea và tấn công các lực lượng ở Đông Ukraine. Còn với Trung Quốc, lực lượng ủy nhiệm gồm quân đội và các đội bảo vệ bờ biển, hoạt động dưới sự yểm trợ của các tàu Hải quân. Để thực hiện tham vọng bá chủ Biển Đông thông qua cái gọi là “quyền lịch sử” với “đường 9 đoạn”, Trung Quốc còn một mực bác bỏ vai trò của các thể chế quốc tế và cơ chế của bên thứ ba để tìm kiếm cơ chế đàm phán song phương cho các tranh chấp.

Nhưng vấn đề đặt ra là trong các cuộc đàm phán này, Trung Quốc lại dùng sức mạnh quân sự và kinh tế lấn át, ép buộc các nước láng giềng nhỏ hơn. Thực tế đó khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo lắng, buộc phải gia tăng ngân sách quốc phòng, tìm kiếm liên minh bảo vệ và thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. Riêng với Philippines, bên cạnh các bước đi trên, nước này còn công khai tìm kiếm hỗ trợ từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) và đã đạt được thắng lợi pháp lý quan trọng trước một Trung Quốc hung hăng và mạnh hơn rất nhiều. Phán quyết của PCA đã giáng một đòn mạnh và uy tín, vị thế và những nỗ lực liên tiếp của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền phi lý ở Biển Đông, một vùng biển quan trọng có tới hơn 5.000 tỷ USD hàng hóa thông thương mỗi năm và rất giàu trữ lượng dầu khí cũng như hải sản.

Trở lại với câu chuyện của Canada, chính  phủ nước này coi châu Á – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên hợp tác trọng điểm do có nhiều nền kinh tế đang nổi, trong đó Trung Quốc rõ ràng giữ vị trí quan trọng nhất. Không chỉ về kinh tế, Canada cũng đang tìm kiếm tư cách thành viên trong các thể chế có chức năng kiến tạo cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Do vậy, giờ là lúc Canada cần phải thay đổi chính sách “giữ im lặng” của mình. Ottawa cần lên tiếng trước những thách thức nổi lên đang đe dọa ổn định ở khu vực, nơi Canada sắp có những lợi ích kinh tế và chiến lược to lớn. Những quan ngại trước đây cho rằng Canada không có lợi ích chiến lược thực sự ở Biển Đông, Canada không nên làm mếch lòng Trung Quốc (đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ), hay Ottawa không có đủ năng lực thay đổi hành vi của Bắc Kinh… nên được xem xét lại.

Trên thực tế, ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương mang lại cho Canada những lợi ích cũng nhiều như như ổn định ở Đông Âu, nếu không muốn nói còn nhiều hơn. Vì thế, sự trỗi dậy của Bắc Kinh, ở chừng mực nào đó, sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích của Canada. Chỉ cần nhìn vào những ảnh hưởng đối với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand cũng đủ để thấy rõ điều này.

Trong bối cảnh đó, thay vì tiếp tục giữ im lặng, Canada cần phải tham gia vào “dàn hợp xướng” của các nước chống lại những yêu sách quá mức và phi lý của Trung Quốc. Canada cần mạnh mẽ thể hiện rõ quan điểm của mình trước một vấn đề quan trọng đang đe dọa ổn định ở một trong những vùng biển trọng yếu nhất của thế giới. Canada không nên quá né tranh nếu thực sự muốn trở thành một quốc gia bảo vệ chuẩn mực đạo đức chung và có niềm tin trách nhiệm như chính học thuyết giao giao mới của nước này.

Nói theo lời của nghiên cứu sinh tiến sĩ Beitelman, khi im lặng, Ottawa bị mặc nhiên coi là đồng tình với các hành động và tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời tự thêm mình vào danh sách khoảng 60 nước được Bắc Kinh rêu rao là ủng hộ quan điểm của họ. Chính sách giữ im lặng đó chỉ cho thấy Canada thiếu một chiến lược khu vực rõ ràng trong cả việc thúc đẩy quan hệ kinh tế lẫn an ninh với các thị trường đang nổi ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhìn rộng hơn, nếu như Trung Quốc có quyền trở thành một quan sát viên trong Hội đồng Bắc cực, Canada cũng có quyền tham gia vào các vấn đề an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương.

Việc tòa PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với các hoạt động nằm trong “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là cơ hội tuyệt vời để Canada phá vỡ sự im lặng bấy lâu, và củng cố các lợi ích của mình cũng như của các đối tác, đồng minh trong khu vực thông qua việc đưa ra quan điểm bảo vệ luật pháp quốc tế và “trật tự-dựa trên-nguyên tắc” ở châu Á – Thái Bình Dương.

Vũ Hà (P/v TTXVN tại Canada)
Giới nghị sĩ và học giả Canada hoan nghênh phán quyết của PCA
Giới nghị sĩ và học giả Canada hoan nghênh phán quyết của PCA

Chỉ vài giờ sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, giới nghị sĩ, học giả và truyền thông tại Canada đã bày tỏ hoan nghênh về nội dung phán quyết, đồng thời hy vọng các bên liên quan sẽ thực thi nghiêm túc văn kiện này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN