Đặc phái
viên chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) về vấn đề Xyri, ông
Kofi Annan, ngày 7/6 đã phát biểu trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ rằng cuộc khủng
hoảng ở Xyri sẽ nhanh chóng "vượt ra ngoài tầm kiểm soát" nếu không
có một áp lực thực sự đối với Tổng thống Xyri Bashar al-Assad.
Từ trái sang: Các ông Kofi Annan, Ban Ki-Moon và Tổng thư ký AL Nabil El-Araby phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo một nhà ngoại
giao, tại buổi họp kín của HĐBA, ông Annan đã nhắc lại lời kêu gọi các cường quốc
lớn phải cảnh báo ông Assad về "những hậu quả rõ ràng" nếu không tuân
thủ kế hoạch hòa bình gồm 6 điểm của quốc tế.
Một nhà ngoại giao khác dẫn lời
ông Annan tại buổi họp nói: "Chúng ta càng chần chừ thì tương lai của Xyri
càng đen tối". Ông Annan kêu gọi gây một áp lực "thống nhất" và
"thực sự" đối với Tổng thống Assad. Ông cho rằng phải "nhanh
chóng đạt được những kết quả thực sự, nếu không cuộc khủng hoảng ở Xyri sẽ vượt
ra ngoài tầm kiểm soát".
Ông Annan cho biết
ông đang đề xuất thành lập một nhóm tiếp xúc quốc tế về cuộc khủng hoảng Xyri
và ông hi vọng Iran sẽ tham gia "giải pháp" này. Theo các nhà ngoại
giao, ông Annan muốn 5 nước thành viên thường trực HĐBA - Anh, Pháp, Mỹ, Nga và
Trung Quốc - sẽ cùng tham gia với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút, Cata và những nước
khác. Ông nói: "Không thể giải quyết vấn đề khi chỉ tập trung vào những
người trong cuộc. Những người đứng bên ngoài cũng cần phải tham gia tìm giải
pháp".
Tuy nhiên, Mỹ ngay
lập tức nói rõ rằng họ coi Iran là "kẻ phá hoại" trong cuộc khủng hoảng
đang xấu đi ở Xyri. Đại sứ Mỹ Susan Rice nói: "Không nghi ngờ gì việc nước
này (Iran) đã tích cực ủng hộ chính quyền Xyri tiến hành bạo lực đối với dân
chúng. Cho đến nay, Iran chưa thể hiện sự sẵn sàng đóng góp mang tính xây dựng
cho một giải pháp chính trị mang tính hòa bình".
Pháp và Anh cũng loại
trừ sự can dự của Iran vào bất cứ sáng kiến quốc tế nào về Xyri. Ngoại trưởng
Pháp Laurent Fabiys nói rằng "trong bất kỳ hoàn cảnh nào Iran cũng không
thể" tham gia đàm phán "bởi họ sẽ đi ngược lại mục tiêu gây áp lực mạnh
đối với Xyri". Ngoại trưởng Anh William Hague nói: "Tôi cho rằng việc
đưa Iran vào bất cứ nhóm nào như thế này chắc chắn sẽ làm cho nhóm đó không hoạt
động được".
Nga - đồng
minh chính cuối cùng của ông Assad - đã đề nghị tổ chức một hội nghị quốc tế về
tình hình ở Xyri. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi sự tham dự của tất cả
các nước có ảnh hưởng tới cuộc khủng hoảng Xyri, đặc biệt là các cường quốc thuộc
HĐBA, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, AL và Liên minh châu Âu.
Theo Tổng thư ký
LHQ Ban Ki-moon, Xyri đang tiến tới một cuộc nội chiến "trong tương lai gần".
Ông cũng nhấn mạnh tới các cuộc tấn công đang gia tăng vào các quan sát viên
LHQ.
Sau buổi họp ở HĐBA, ông Ban đã nói với các phóng viên: "Tình hình
Xyri có thể nhanh chóng chuyển từ điểm bùng phát sang giới hạn không thể giải
quyết được. Nguy cơ một cuộc nội chiến toàn diện đã hiện hữu, với những hậu quả
thảm khốc cho Xyri và cả khu vực. Người Xyri đang đổ máu. Họ đang tức giận. Họ
muốn hòa bình và được coi trọng. Và trên tất cả, họ muốn hành động".
Cuộc họp diễn ra chỉ
vài giờ sau khi vụ thảm sát dân thường mới nhất xảy ra ở làng Al-Kubeir và
Maarzaf thuộc tỉnh Hama của Xyri. Cả ông Ban và ông Annan đều lên tiếng phản đối
vụ thảm sát này.
TTXVN/Tin Tức