Đại dịch COVID-19 có khai tử tiền mặt?

Các công ty công nghệ nhìn thấy cơ hội mà họ đã chờ đợi từ lâu khi người tiêu dùng và doanh nghiệp từ chối dùng tiền giấy. Liệu đồng tiền pháp định có biến mất và ai sẽ bị tổn thương, ai sẽ được lợi?

Cơ hội của công ty công nghệ

Chú thích ảnh
Logo của PayPal tại văn phòng ở San Jose, California, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Politico (Mỹ), các cửa hàng đang đóng cửa khắp nước Mỹ do đại dịch COVID-19. Cửa hàng nào vẫn còn mở thì không nhận tiền mặt. Họ hoạt động mà không hề tiếp xúc với người mua vì đã yêu cầu khách trả tiền qua mạng trước. 

Nhiều người mua hàng đang chuyển sang mua sắm trên mạng qua Amazon và Walmart.com. 

Sau nhiều năm trời, chuỗi 1.200 cửa hàng tạp hóa Publix bắt đầu chấp nhận thanh toán qua Apple Pay.

Lý do là hình thức thanh toán cổ xưa nhất, đáng tin cậy nhất - dùng tiền mặt - giờ dường như có quá nhiều rủi ro nhiễm bệnh: virus có thể xuất hiện trên tờ tiền, người trao và nhận tiền đứng gần nhau.

Một số thay đổi có thể chỉ tạm thời, nhưng cũng có thay đổi sẽ là vĩnh viễn. Điều này khiến các công ty công nghệ vui mừng, trong khi lại làm một số người lo lắng.

Từ lâu, công ty công nghệ đã thúc đẩy hệ thống thanh toán số, bớt dựa vào tiền mặt và hối thúc các nhà quản lý miễn cho họ một số hạn chế áp dụng với ngân hàng truyền thống. Giờ đây ở Mỹ, chính phủ đang tự đi theo hướng này khi không muốn dùng tiền giấy để thanh toán khoản hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19. 

Bộ Tài chính đã thông báo rằng người Mỹ sẽ nhận khoản hỗ trợ nhanh hơn nhiều nếu họ không nhận séc giấy mà nhận chuyển khoản trực tiếp.

Bộ Nông nghiệp đang nhanh chóng mở rộng chương trình thí điểm cho phép 42 triệu người hưởng thụ trong chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (tem phiếu thực phẩm) có thể mua những thứ họ cần qua các cửa hàng trực tuyến như Amazon Fresh.

Bộ Tài chính Mỹ đã đồng ý cho cả PayPal và Square làm bên chuyển khoản tiền 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vay. Khoản này là một phần trong gói kích thích mà Mỹ thông qua.

Theo nhà kinh tế Kenneth Rogoff tại Đại học Harvard, cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay sẽ hoàn toàn hướng mọi người tới thẻ tín dụng và ghi nợ thay vì tiền mặt.

Thanh toán kỹ thuật số đã chiếm chỗ tiền mặt và trong nhiều trường hợp, thanh toán kiểu này nhanh, sạch và dễ dàng.

Sự thay đổi đột ngột này là cơ hội lớn với các công ty công nghệ như công ty thanh toán trực tuyến PayPal. Tổng giám đốc điều hành PayPal, ông Dan Schulman cho biết công ty có lượng khách hàng mới thiết lập tài khoản mỗi ngày tăng gấp đôi so với trước đại dịch. 

Với các công ty công nghệ đang xây dựng ứng dụng và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ thanh toán kỹ thuật số và ngân hàng di động, nền kinh tế kiểu này là giấc mơ từ lâu. Ngoài những công ty chỉ có dịch vụ thanh toán đơn thuần như PayPal, công ty Standard Cognition ở San Francisco đã phát triển công nghệ để biến cửa hàng thật thành môi trường không tiền mặt hoàn toàn. 

Dùng tiền mặt – Thói quen khó bỏ?

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: BOL News

Trong hơn 200 năm qua, đồng bạc xanh USD luôn là trung tâm của nền kinh tế Mỹ. Làm sao mà COVID-19 có thể khai tử tiền mặt và nếu nó có thể thì xã hội đã sẵn sàng chưa?

Theo tờ Politico, thói quen dùng tiền có thể khó mà phá vỡ. Mất nhiều năm máy ATM mới khiến người ta không phải đến ngân hàng rút tiền. Người Mỹ hiện nay rút tiền từ ATM khoảng 5 tỷ lần mỗi năm.

Xét một khía cạnh nào đó, tiền mặt còn lâu mới biến mất. Đại dịch COVID-19, giống như phần lớn tình trạng khẩn cấp, là khi mọi người tích trữ tiền giấy. Số liệu của Ngân hàng Dự trữ Trung ương Mỹ cho thấy xu hướng rút tiền USD tăng nhẹ trên toàn cầu, mặc dù phần lớn có thể là do người nước ngoài tích trữ đồng tiền an toàn.

Trái với các công ty công nghệ, hiện tượng giảm dùng tiền mặt trong đại dịch không phải là điều vui mừng với một số người. Xu hướng này khiến những người nghèo và người già lo lắng vì họ có xu hướng phụ thuộc tiền giấy do yếu về công nghệ, không có thói quen hoặc không tham gia vào hệ thống ngân hàng chính thống.

Năm 2019, thành phố San Francisco đã thông qua lệnh cấm các cửa hàng không dùng tiền mặt. Đó là lý do mà cửa hàng của Standard Cognition ở đây vẫn phải nhận tiền mặt.

Năm 2016, chuỗi cửa hàng salad Sweetgreen ở Washington, DC. đã ngừng nhận tiền mặt. Người tiêu dùng tức giận vì nghĩ rằng công ty ngăn khách quen thích dùng tiền mặt tiếp cận thực phẩm lành mạnh. Công ty này đã phải bỏ lệnh cấm sau hai năm. Tuy nhiên, công ty vẫn có một số cửa hàng áp dụng hình thức trả tiền trên mạng trước rồi tới lấy đồ ăn từ quầy. 

Theo ông Dan Schulman, hình thức “lai” của công ty Sweetgreen có thể là điều sẽ tồn tại sau đại dịch. Tức là người tiêu dùng sẽ quay trở lại các cửa hàng, siêu thị để mua sắm nhưng không thanh toán bằng tiền mặt mà trả tiền trực tuyến trước hoặc sau.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ tiền mặt cho toàn thể người dân  
Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ tiền mặt cho toàn thể người dân  

Ngày 16/4, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ tiền mặt một lần cho toàn thể người dân nước này, theo đó mỗi người được nhận 100.000 yen (khoảng 930 USD) không phân biệt thu nhập, coi đây là một biện pháp giảm thiểu tác động của dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN