Đàm phán Iran còn lắm chông gai

Sau ba ngày thương lượng căng thẳng, cuộc đàm phán giữa Iran và phương Tây đã kết thúc mà không đạt được kết quả mong đợi. Mặc dù đã có một số cơ hội, song để có thể đi đến được thỏa thuận mang tính lịch sử, các bên còn phải vượt qua nhiều trở ngại và sự khác biệt về lập trường.


Nhen nhóm hy vọng


Cuộc đàm phán nhanh chóng được nâng cấp lên bộ trưởng và tăng thêm 1 ngày so với dự định ban đầu đã làm nhen nhóm hy vọng về một giải pháp bền vững cho chương trình hạt nhân của Iran. Thế nhưng, đến cuối ngày 9/11, hai bên vẫn chưa đạt thỏa thuận do sự chia rẽ giữa Pháp và các nước phương Tây khác.

Ngoại trưởng Iran (phải) và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu họp báo ngày 10/11 sau đàm phán. Ảnh:AFP/TTXVN


Kể từ khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên nắm quyền cách đây vài tháng với cam kết muốn đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân với phương Tây, Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã tiến hành hai vòng đàm phán chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, các cuộc đàm phán tiến triển nhanh như vậy. Cho dù chi tiết cụ thể về đề xuất của Iran trong cuộc đàm phán diễn ra ngày 15-16/10 tại Geneva vẫn chưa được tiết lộ, song điều đó có lẽ không quan trọng bằng việc nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và các cường quốc phương Tây bước đầu đã tạo dựng được sự tin tưởng sau hơn một thập kỷ chia rẽ và mất lòng tin. Đề xuất mang tính đột phá của Iran, trong đó cho phép tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở hạt nhân của nước này, được thể hiện qua việc Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Yukiya Amano sẽ đến Iran ngày 11/11 nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác để giải tỏa dần những căng thẳng kéo dài xung quanh vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước này.


Theo các nguồn tin, dự thảo thỏa thuận đề xuất Iran ngừng hoạt động làm giàu urani tới cấp 20%, giảm quy mô các kho vũ khí và chấp thuận không kích hoạt lò phản ứng plutoni ở Arak. Đổi lại, các cường quốc thế giới sẽ thực hiện các biện pháp có giới hạn và "có thể đảo ngược" để nới lỏng trừng phạt như khôi phục một số tài khoản của Iran tại nước ngoài. Sau đó, các nhà đàm phán sẽ có thời gian để cân nhắc một thỏa thuận toàn diện hơn mà Iran hy vọng là sẽ được triển khai trong vòng một năm sau đó.


Bế tắc do đâu?


Sở dĩ đàm phán vẫn chưa tìm ra lối thoát do trở ngại từ vấn đề hạn chế làm giàu urani cấp độ 20%, vốn cho phép Iran có khả năng chế tạo bom nguyên tử. Thêm vào đó, sự phản đối của các nhân vật cứng rắn tại Tehran và Washington - những người không trực tiếp tham gia tiến trình này - cũng là một thách thức lớn. Những nhân vật cứng rắn tại Iran muốn quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt trước khi Tehran giảm quy mô hoạt động làm giàu urani; trong khi một số nhà lập pháp Mỹ lại yêu cầu Iran phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động này trước khi họ cân nhắc nới lỏng các lệnh trừng phạt.


Bên cạnh đó, sự phản đối của Israel cũng có thể gây khó khăn cho đàm phán. Tel Aviv đã bày tỏ sự thận trọng trước những bước tiến mới trong tiến trình đàm phán hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng việc thông qua một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới đang được định hình tại cuộc đàm phán ở Geneva sẽ là "sai lầm lịch sử". Ông cảnh báo rằng Israel sẽ không bao giờ chấp nhận thỏa thuận này và sẽ "làm tất cả để tự bảo vệ mình".


Những cuộc tham vấn nghiêm túc về nội dung thỏa thuận cuối cùng đã được thực hiện, song vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận thêm. Hai bên nhất trí sẽ gặp lại nhau vào ngày 20/11 tới với hy vọng sớm đạt được kết quả tích cực. Mặc dù vậy, cơ sở để các bên có thể đi tới một thỏa thuận cuối cùng là sự nhượng bộ, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, vì lợi ích của mỗi bên và vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.


Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN