Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã làm xuất hiện các nhà lãnh đạo chính trị mới, trong khi thái độ của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng này bắt đầu đổi khác. Báo Độc lập (Nga) vừa đưa ra nhận định "Phương Tây có vẻ như đang quay lưng lại với Kiev", cho dù nhận định này có vẻ hơi sớm.Tờ báo cũng cho rằng các nhà chức trách Ukraine lúc này đang nỗ lực đối phó với tình hình, những mong "hạ nhiệt" nhanh chóng nhất các "lò lửa" ở miền đông-nam Ukraine, sao cho càng ít bị chỉ trích càng tốt. Thái độ của giới chức tạm quyền Ukraine cũng xuất phát từ những đòi hỏi ngày một gấp rút hơn về việc chấm dứt "chiến dịch chống khủng bố" (mà thực chất là đàn áp người ly khai) ở khu vực đông-nam đất nước để nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán.
Trong khi đó, Liên hợp quốc cũng thừa nhận có những sai lầm nhất định trong một số tuyên bố của các chính trị gia hàng đầu châu Âu, cũng như trong mối quan hệ của họ với Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (trái) và Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk trong cuộc gặp tại sân bay Borispol (Ukraine). Ảnh Reuters |
Một trong các vấn đề nổi cộm nhất trong "câu chuyện" Ukraine lúc này chính là ai sẽ phải thương lượng với ai. Kiev đang hết sức bất bình với các thủ lĩnh ly khai khu vực Đông-Nam đất nước, trong khi chính quyền các tỉnh đòi ly khai cũng lần lượt lên tiếng không công nhận chính quyền trung ương. Và nếu họ có đồng ý tham gia đối thoại với Kiev, sau khi đã tổ chức trưng cầu dân ý, thì rõ ràng họ cũng sẽ đòi hỏi quyền bình đẳng trong quá trình đàm phán.
Tự nhận vai trò như một "Nhà trung gian hòa giải", đồng thời cũng nhằm gia tăng thanh thế và uy tín bản thân, ứng cử viên Tổng thống Ukraine, bà cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đã đến Donbass, nơi bà tự ví mình như cựu Chủ tịch Quốc hội Gruzia Nino Burjanadze. Tờ báo viết tiếp: "Cựu Thủ tướng Tymoshenko đã ngây thơ hy vọng rằng mình có thể tạo ra 'một quả bom hạt nhân' trong khu vực Donbass".
Tuy nhiên trên thực tế, cho dù có là gương mặt giành được chỉ số tín nhiệm cao thứ hai trên chính trường Ukraine, cho dù có là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, có sức chi phối mạnh mẽ, thì bà Tymoshenko với gương mặt khả ái vẫn khó có thể xóa mờ quá khứ chính trị không mấy trong sáng của mình.
Tờ báo Nga viết tiếp, tai họa lớn nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine chính là xuất hiện quá nhiều các giai tầng chính trị - xã hội, sự chuyển đổi giữa các khu vực và các quốc gia, làm nóng không chỉ những các đầu ham muốn quyền lực cả bên trong và bên ngoài đất nước, mà còn cả ở Phương Tây và Phương Đông, trong khi không xuất hiện một gương mặt chính khách mới nào có khả năng chèo lái đất nước. Chìa khóa đem lại sự ổn định cho Ukraine lúc này có lẽ phụ thuộc vào việc quốc gia này có tìm được nhân vật nào đó, đủ thẩm quyền cũng như năng lực cá nhân, có thể tập hợp và thu phục được tất cả các lực lượng vốn đang phân rẽ sâu sắc trong cả nước. Nhưng thực tế đến lúc này tại Ukraine vẫn chưa thấy xuất hiện vị "anh hùng dân tộc" đó.
Trong khi đó, nhà trùm tài phiệt Dmitry Firtash- nhân vật được cho là giàu thứ tư Ukraine, vừa bị Cơ quan Cảnh sát hình sự Áo bắt giữ hồi trung tuần tháng 3 theo một lệnh truy nã của FBI (Mỹ), đang nuôi hy vọng được quay trở lại với các "trò chơi" chính trường.
Được biết, trong khi chờ dẫn độ sang Mỹ, trong một cuộc hỏi cung, nhân vật này đã "thuyết phục" giới chức phương Tây rằng lúc này ông ta có thể là nhân vật duy nhất ở Ukraine, có thể đảm đương vai trò hợp nhất các phe phái thân Phương Tây lẫn Phương Đông ở Ukraine. Nhà trùm tài phiệt này khẳng định "có thể tìm thấy một ngôn ngữ chung giữa Moskva, các khu vực Đông Nam nổi loạn, Chính phủ trung ương Ukraine, mà rất có thể người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 25/5 tới là Peter Poroshenko, cũng như các khu vực Ukraine thân phương Tây".
Nói cách khác, theo nhà trùm tài phiệt này, đàm phán đa phương và thỏa hiệp, nhượng bộ lẫn nhau có thể là phương thức hữu hiệu ngăn chặn sự sụp đổ của nhà nước Ukraine.
Rõ ràng, thực tế cũng cho thấy Ukraine cần phải nỗ lực đi theo hướng đi này.
Quế Anh