Đảo chính nghị việnQuy trình luận tội bà Rousseff bắt đầu cách đây mấy tháng khi bà bị đình chỉ chức vụ tổng thống hồi tháng 5 để Thượng viện bắt đầu điều tra các cáo buộc bà vi phạm luật ngân sách. Sau đó, ngày 31/8, ba ngày sau các phiên tranh luận nóng bỏng, Thượng viện đã bỏ phiếu phế truất bà Rousseff với tỷ lệ 61:20. Ông Michel Temer, người từng là cấp phó của bà Rousseff đang nắm giữ chức tổng thống lâm thời, sau đó tuyên thệ nhậm chức tổng thống chính thức. Các tổ chức quan sát cho biết 60% các nghị sĩ Brazil và cả Tổng thống Temer bị cáo buộc tham nhũng và gian lận.
Bà Dilma Rousseff. Ảnh: THX/TTXVN |
Mấu chốt trong cuộc tranh luận tại Thượng viện là việc phế truất bà Rousseff là vấn đề pháp lý hay đơn thuần chỉ là chủ nghĩa cơ hội chính trị thủ đoạn. Người ủng hộ bà Rousseff phản ứng mạnh mẽ, cho rằng những người tìm cách phế truất bà đã lạm dụng các quy tắc hiến pháp để loại bỏ một tổng thống chỉ vì họ phản đối bà. Họ cho rằng hành động đó là một cuộc đảo chính nghị viện. Quan điểm này được các nước như Cuba, Venezuela, Bolivia và Ecuador ủng hộ.
Trong bài phát biểu gần đây, bà Rousseff quyết không đầu hàng. Bà nhấn mạnh thành tựu bà đạt được trong chính phủ và khu vực bầu cử, đồng thời cho rằng 61 thượng nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý phế truất bà là chống lại lá phiếu của 54 triệu cử tri. Cho dù phe ủng hộ phế truất bà Rousseff coi kết quả cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện là một chiến thắng với nền dân chủ thì phe phản đối cũng sẽ không im lặng khi cảm thấy bất mãn với hệ thống chính trị.
Về phần mình, tân Tổng thống Michel Temer đã mô tả quyết định của Thượng viện là vừa minh bạch, vừa dân chủ, do đó phản ánh sức sống của nền dân chủ Brazil. Trong bài phát biểu, ông Temer gọi chính phủ của ông là “chính phủ bảo vệ quốc gia”. Ông tỏ ra tự tin vào các thể chế chính trị và xã hội Brazil trong hoạch định tương lai của Brazil. Ông kêu gọi đoàn kết, hòa giải nhưng vẫn gọi bà Rousseff là thủ lĩnh đảo chính vì dám thách thức hiến pháp và dân chủ.
Hai mặt của dân chủVậy đâu mới thực sự là bên đại diện cho dân chủ ở Brazil? Người được cử tri bầu làm tổng thống hay phe đối lập dựa trên hiến pháp dân chủ để phế truất người đã được bầu? Có thể thấy rõ là qua vụ việc phế truất bà Rousseff, người Brazil đang đứng trước hai quan điểm khác nhau về dân chủ.
Một, dân chủ là nhà nước pháp quyền, tôn trọng hiến pháp và các thể chế dân chủ. Thượng nghị sĩ đầu tiên phát biểu trong phiên tranh luận phế truất nói rằng động thái đang được thực hiện để chống lại bà Rousseff cho thấy dân chủ ở Brazil đang hoạt động. Ông lý luận rằng bà Rousseff đã phá luật khi dùng tiền trong các ngân hàng nhà nước để bù ngân sách trong các chương trình xã hội được lòng dân.
Hai, dân chủ là tôn trọng đa số cử tri đã bỏ phiếu cho bà Rousseff trong cuộc bầu cử năm 2014. Điều này phản ánh quan điểm của đa số người Brazil là bà Rousseff bị “truy sát” bởi phe đối lập chính trị - phe còn bị nghi ngờ tham nhũng nghiêm trọng hơn cáo buộc mà bà Rousseff phải chịu. Họ cho rằng để đánh lạc hướng dư luận đang nhằm vào mình, phe đối lập đã dùng đến lá bài phá hoại chính phủ được bầu ra trong một quy trình dân chủ. Chính phủ của ông Temer cũng bị người ủng hộ bà Rousseff coi là thiếu tính hợp pháp chính trị khi lên cầm quyền. Bản thân ông Temer đã bị cấm tranh cử trong 8 năm vì vi phạm luật bầu cử.
Hai quan điểm này không chỉ hiện hữu trên vũ đài chính trị ở Brazil mà còn được thể hiện trong các khu vực bầu cử. “Đường đứt gãy” chính trị qua vụ bà Rousseff sẽ định đoạt tương lai của Brazil. Đất nước này đối mặt với tình hình chính trị bất ổn mà chưa có một giải pháp rõ ràng. Người Brazil không tin các thể chế dân chủ, giới chính trị gia, quốc hội và các đảng phái. Tuy nhiên, họ ủng hộ mạnh mẽ dân chủ dưới hình thái một hệ thống chính quyền.
Theo bà Maria Mendonca, giáo sư Đại học Rio de Janeiro, vụ phế truất bà Rousseff là một chương rất buồn cho Brazil và nền dân chủ. Theo bà Mendonca, đây không phải là một phiên xét xử thực sự vì đa số thượng nghị sĩ đã có quyết định không bỏ phiếu ủng hộ bà ngay cả trước khi phiên xử bà Rousseff diễn ra. Không có căn cứ pháp lý nào cho vụ phế truất khi mà công tố viên đã bác mọi cáo buộc mà bà Rousseff phải chịu, cho rằng các thủ thuật bà sử dụng liên quan tới ngân sách không phải là một hành vi phạm pháp. Do đó, bà Mendonca nhận định vụ phế truất là “biện pháp để các chính trị gia tham nhũng không được lòng dân nắm quyền mà không cần phải thông qua quy trình bầu cử”.
Khủng hoảng ở Brazil cũng không phải là duy nhất. Dường như hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đã khiến các lực lượng chính trị chính thống trên toàn thế giới đang đối mặt với tình trạng bất mãn của cử tri, bị phe đối lập tận dụng để lật đổ. Dù quy trình phế truất bà Rousseff có dân chủ hay không thì sự kiện này cũng đã đặt ra một tiền lệ nguy hiểm cho Mỹ Latinh và đây chỉ là khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng ở Brazil.