Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, Triều Tiên đã thử các hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa và vũ khí dẫn đường chiến thuật.
Vụ thử này là diễn biến mới trong loạt động thái quân sự gần đây của Triều Tiên được đưa ra nhằm tăng sức ép đối với Mỹ, buộc Washington phải thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán hạt nhân, đồng thời chứng tỏ Bình Nhưỡng sẽ không quá nhượng bộ về mặt quân sự.
Tuy nhiên, động thái của Bình Nhưỡng dường như được cân nhắc kỹ lưỡng và được điều chỉnh để không tới mức khiêu khích Washington và khiến tình thế ngoại giao xấu đi, bởi điều này sẽ là đòn giáng cho mục tiêu của Triều Tiên trong việc thúc đẩy nới lỏng trừng phạt quốc tế cũng như đẩy mạnh chương trình nghị sự kinh tế.
“Động thái mới nhất dường như muốn gây sức ép với Mỹ và để thể hiện không hài lòng với các cuộc đàm phán bế tắc. Hiện tại, Triều Tiên có thể làm leo thang căng thẳng, nhưng tôi nghĩ Bình Nhưỡng sẽ sớm quay trở lại đối thoại”, Park Won-gon – Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong – nhận xét.
Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thứ hai không đạt kết quả như kỳ vọng, Triều Tiên tăng cường một loạt hành động quân sự. Ngày 16/4, đích thân Chủ tịch Kim Jong-un thị sát một cuộc tập trận của Không quân. Ngày hôm sau, ông thị sát một buổi phóng thử nghiệm vũ khí dẫn đường “chiến thuật” mới. Tiếp tục tuần này, thế giới lại một lần nữa chứng kiến Bình Nhưỡng thử vũ khí.
Hoạt động quân sự được triển khai cùng lúc Bình Nhưỡng đưa ra yêu cầu Washington có “phương pháp đúng đắn” và thay thế Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bằng một nhà đàm phán “cẩn trọng và đáng tin cậy hơn”.
Giới quan sát cho rằng những hoạt động quân sự gần đây của Triều Tiên chỉ mang tính chiến thuật, vì những loại vũ khí tầm ngắn không hề gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Mỹ. Từ đó có thể thấy Triều Tiên vẫn mong muốn duy trì đối thoại.
Hiện đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đang gặp bế tắc vì sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề phi hạt nhân hóa của hai quốc gia. Và để thu hẹp khoảng cách và nối lại tiến trình đàm phán, phía Hàn Quốc đóng một vai trò trung gian phải đối mặt tình huống khó xử.
Washington muốn Seoul thể hiện vai trò đồng minh, hình thành một mặt trận đoàn kết trong khi Bình Nhưỡng lại gia tăng sức ép buộc quốc gia láng giềng phía Nam phải lựa chọn phe, thay vì đóng vai người đi hòa giải.
Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai ở Hà Nội, Bình Nhưỡng đã không phản hồi lời kêu gọi của Seoul trong việc thúc đẩy một loạt dự án trong khuôn khổ thỏa thuận hồi năm ngoái nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự và xây dựng lòng tin, buộc Hàn Quốc phải đơn phương thực hiện. Triều Tiên được cho là sẽ theo dõi kết quả chuyến thăm Seoul của Đặc phái viên Mỹ về các vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun trong tuần tới.