Tổng hợp theo báo chí Nga, dự án đóng tàu chiến Mistral từng được xem là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự hợp tác trở lại giữa Nga và Pháp trong ngành công nghiệp đóng tàu bị gián đoạn gần 100 năm, nhưng giờ đây đang là cơn đau đầu với Tổng thống Pháp.
Pháp có thể mất 10 tỷ euro do không giao Mistral cho Nga. |
Vào năm 1908, hải quân Đế chế Nga đã tiếp nhận tuần dương hạm mang tên Admiral Makarov. Đây cũng là tàu chiến lớn cuối cùng Nga mua được từ Pháp. Sau cách mạng Tháng 10, Liên Xô phải đi mua các bản thiết kế về tự đóng tàu chiến trang bị cho Hải quân. Phải đến thập niên 1970-1980 ngành đóng tàu quân sự Liên Xô mới thực sự khẳng định được vị thế. Tuy nhiên, năm 1991, Liên Xô tan rã đã kéo theo sự suy giảm đáng kể tiềm năng ngành công nghiệp đóng tàu. Những biến đổi chính trị và khó khăn kinh tế trong những năm 1990 đã khiến nước Nga không những không đủ khả năng tiếp tục các dự án đóng tàu đầy tham vọng còn dở dang từ thời Liên Xô, mà còn phải thu hẹp tầm hoạt động của hải quân. Rất nhiều các tàu tuần dương đang trong quá trình thi công đã bị buộc phải dừng lại hoặc chuyển đổi công năng.
Một phần sức mạnh hải quân Liên Xô trước đây thuộc về Ukraine, nhưng nước này cũng không đủ khả năng duy trì các tàu lớn nên đã bỏ không hoặc bán đi. Khi vấn đề bảo vệ công dân và lợi ích Nga bên ngoài đất nước trở thành nhiệm vụ chiến lược quan trọng hàng đầu thì hải quân Nga lại thiếu các công cụ để thực hiện nhiệm vụ này. Hầu hết các tàu chiến mặt nước của Nga, đặc biệt là các tuần dương hạm, được sản xuất từ thời Liên Xô và đã trải qua nâng cấp. Ngoài ra, để hiện diện sức mạnh ở các đại dương xa Nga cần có không quân hải quân và lực lượng đổ bộ. Nhưng chỉ có tàu sân bay duy nhất là Admiral Kuznetsov là có thể thực hiện được nhiệm vụ này. Trong khi đó, để tự đóng được tàu sân bay ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Nga cần một thời gian rất dài, không dưới chục năm. Với quyết tâm nhanh chóng khôi phục sức mạnh hải quân, ban lãnh đạo nước Nga đã quyết định mua tàu chiến của nước ngoài. Cùng lúc, quan điểm về sử dụng hải quân cũng có sự thay đổi, khi mà lực lượng đổ bộ được coi trọng hơn để trở thành lực lượng hỗ trợ chiến đấu đắc lực và hiệu quả cho lục quân.
Trong bối cảnh như vậy, việc mua tàu chiến Mistral giúp hải quân Nga khắc phục được 3 hạn chế cơ bản: thiếu phương tiện vận chuyển lực lượng đổ bộ có khả năng hiện diện thời gian dài trên các khu vực đại dương ở xa căn cứ; thiếu khả năng hỗ trợ bằng không quân và thiếu tàu chỉ huy trung tâm đồng bộ.
Ngay khi hợp đồng còn đang trong giai đoạn đàm phán,Mistral đã là tâm điểm của tranh cãi ở Nga, Pháp và các nước Đông Âu, đặc biệt phản đối gay gắt là Ba Lan và Mỹ. Hiện nay, có thể thấy là Tổng thống Pháp Holland đang chịu áp lực từ ba “mặt trận” khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến số phận của tàu chiến Mistral.
Đầu tiên là Nga – một bên giao kèo với Pháp. Moskva đã rất quan tâm tới thương vụ này và cũng đã cung cấp khoản tạm ứng khá lớn. Lập trường rõ ràng của Nga là sẽ kiện ra tòa nếu Pháp không bàn giao tàu chiến Mistral theo hợp đồng đã ký.
Tiếp theo là Mỹ và các nước đồng minh mới gia nhập NATO từ Đông Âu. Nhóm này phản đối hợp đồng cung cấp tàu chiến giữa Pháp và Nga, kêu gọi Paris hủy hợp đồng. Mỹ nhiều lần đề nghị Pháp không giao tàu chiến Mistral cho Nga. Lý do Wasington đưa ra là cần trừng phạt Nga do các sự kiện ở Ukraine.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Mỹ còn có lý do khác để can dự vào hợp đồng giữa Nga và Pháp.
Thứ nhất, nếu hợp đồng này thành công sẽ tạo điều kiện để hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Nga và Pháp trở nên sâu sắc hơn, không loại trừ Moskva sẽ đề nghị Paris sở hữu một số vũ khí Nga rẻ hơn và hiệu quả quả hơn vũ khí Mỹ. Và sau Pháp, sẽ có nhiều nước châu Âu mong muốn mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng với Nga. Wasington muốn chặn đứng con bài domino này.
Thứ hai, việc Pháp hủy hợp đồng với Nga có thể khiến ngành công nghiệp quốc phòng nước này gặp khủng hoảng vì phải đền bù hợp đồng quá lớn, không dưới 3 tỉ euro, đồng thời uy tín của Paris với tư cách là nhà cung cấp vũ khí sẽ giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến giảm sức cạnh tranh trên thị trường vũ khí, nơi Mỹ là tay chơi hàng đầu.
Hiện tại, ông Holland không có lựa chọn tốt nhất, mà chỉ có quyết định phù hợp tạm thời là “hoãn binh” khi mà lợi thế duy nhất đang có là thời gian. Mỹ và đồng minh tất nhiên sẽ hoan nghênh quyết định này, Nga sẽ chưa hành động gì vì thời hạn cuối cùng (không quá 100 ngày kể từ ngày 14/11) vẫn chưa hết, những chỉ trích từ các đối thủ chính trị trong nước đương nhiên sẽ không dừng lại ngay cả khi số phận tàu chiến Mistral đã được định đoạt.
TTK