Iran, quốc gia láng giềng giàu dầu mỏ nằm ở phía tây của Ápganixtan, từ nhiều năm nay đã trở thành điểm đến của những người Ápganixtan muốn tìm kiếm việc làm hoặc chạy trốn chiến tranh.
Một nhóm người di cư Ápganixtan rời Iran về nước ngày 5/11/2012. Ảnh: Internet |
Hai nước này có cùng ngôn ngữ, những mối liên hệ về văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên, thái độ thù địch đối với vai trò của Mỹ ở Ápganixtan, những tham vọng khu vực và một nền kinh tế đang chao đảo bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến Iran "trục xuất" những người di cư Ápganixtan.
Abdul Samad Hami, Thứ trưởng phụ trách vấn đề người tị nạn của Ápganixtan, nói: "Những người tị nạn và di cư Ápganixtan đang trở thành nạn nhân của cuộc chơi chính trị giữa Iran và Mỹ".
Trong khi đó, hầu hết những người di cư, đã trả cho những tay buôn lậu khoảng 700 USD để có thể vượt biên giới (dài 1.000 km) sang Iran, đều không biết rằng họ đang rơi vào một cuộc chơi phô trương sức mạnh địa chính trị của một số nước. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, kể từ tháng 1/2012 đến ngày 30/9/2012 có 191.121 người di cư Ápganixtan chưa đăng ký bị đuổi khỏi Iran, tăng 29% so với năm 2011. Khoảng 1,4 triệu công nhân di cư người Ápganixtan vẫn đang ở Iran, song hàng trăm người trong số họ bị trục xuất mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng có gần 1 triệu người tị nạn Ápganixtan được phép sinh sống ở Iran.
Việc Iran trục xuất những người di cư Ápganixtan sẽ không chỉ tạo gánh nặng cho Ápganixtan mà còn khiến nước này mất đi một nguồn thu nhập, và thậm chí có thể gây thêm nhiều bất ổn hơn cho đất nước này trước khi hầu hết các binh lính nước ngoài rút khỏi Ápganixtan vào cuối năm 2014. Những người di cư Ápganixtan ở Iran mỗi năm gửi về nhà khoảng 500 triệu USD, một số tiền đáng kể đối với một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Các khoản tiền này sẽ trở nên quan trọng hơn khi nguồn viện trợ nước ngoài giảm dần cùng với sự ra đi của các lực lượng phương Tây.
Iran nói rằng những người công nhân di cư tạo ra mối đe dọa về an ninh đối với nước này. Tuy nhiên, theo các chính trị gia và các nhà phân tích người Ápganixtan, Iran trục xuất những người di cư là nhằm thể hiện rằng nước này có thể tăng cường áp lực khi họ không đạt được mục đích của mình.
Trong bối cảnh Mỹ giảm vai trò của mình ở Ápganixtan, các nước láng giềng của Ápganixtan lại tăng cường tranh giành ảnh hưởng. Theo các quan chức Ápganixtan, Iran đã tài trợ cho 1/3 các cơ quan truyền thông đại chúng của Ápganixtan, đồng thời xây dựng trường học, phòng khám bệnh để tăng cường ảnh hưởng ở nước này.
Tuy nhiên, theo các quan chức Ápganixtan và nhóm hoạt động nhân quyền, Iran muốn đuổi không chỉ riêng những người công nhân nhập cư, mà nước này còn có những động thái muốn trục xuất phần lớn trong số 930.000 người Ápganixtan tị nạn hợp pháp ở nước này, đồng thời đẩy mạnh một chiến dịch nhằm khiến cho những người tị nạn cảm thấy họ không được chào đón.
Iran đang gia tăng số lượng "các khu vực cấm vào" đối với người Ápganixtan, điều mà giới chức trách nói là một phần trong chiến lược bảo vệ các đường biên giới. Thứ trưởng Hami nói: "Thậm chí, trong các khu vực được phép đi lại, người Ápganixtan vẫn bị hạn chế qua lại và chỉ có vài công việc nhất định mà họ có thể làm". Ông cho biết, Ápganixtan luôn chuẩn bị tinh thần đón dòng người tị nạn bị trục xuất từ Iran, đồng thời Ápganixtan đang cùng với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn vạch ra một "kế hoạch đối phó với tình huống bất ngờ", dự kiến hoàn tất vào tháng 1/2013.
Theo ông Qazi Nazir Ahmad Hanfai, đại biểu Quốc hội ở thành phố Herat, Iran gây áp lực đối với những người Ápganixtan sinh sống ở nước này là do họ đang muốn trừng phạt Ápganixtan vì Cabun đã phớt lờ lời kêu gọi của Têhêran bác bỏ hiệp ước an ninh với Mỹ. Ông nói: "Iran đã cảnh báo Ápganixtan... và bây giờ, chúng ta đang chứng kiến kết quả của lời đe dọa đó".
TTK (Theo Reuters)