Trung Quốc vừa
phóng tàu không gian có người lái lần thứ tư vào vũ trụ. Đây là một trong những
nỗ lực của nước này để trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới có một trạm
không gian thường trực trên quỹ đạo trái đất.
Phòng thí nghiệm quỹ đạo
không gian Thiên Cung cho biết phi hành đoàn gồm ba người, trong đó có một nữ
phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc là bà Lưu Dương.
Tàu vũ trụ Thần Châu 9 của
Trung Quốc cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Tửu Tuyền, nằm ở rìa sa mạc Gobi, vào
lúc 18 giờ 37 phút giờ địa phương (tức 10:37 GMT). Tên lửa Trường Chinh 2F mang
theo tàu Thần Châu 9 đưa các phi hành gia vào vũ trụ bằng công nghệ kết nối
trong không gian với trạm Thiên Cung trong vòng vài ngày.
Phi hành đoàn sẽ làm việc
trong quỹ đạo một tuần, sau đó quay về trái đất. Trước khi cất cánh, phi hành
đoàn đã được giới thiệu với các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, các nhân vật
quan trọng và giới truyền thông.
Trưởng phi hành đoàn là phi
hành gia kỳ cựu Cảnh Hải Bằng, đây là lần thứ hai nhà du hành bay vào không
gian sau lần đầu tiên tham gia phóng tàu Thần Châu 7 năm 2008.
Thành viên thứ hai là phi
công chiến đấu Lưu Vương của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Thành viên cuối cùng là Thiếu
tá phi công Lưu Dương 34 tuổi, với tư cách là nữ phi hành gia đầu tiên của
Trung Quốc. Bà Lưu Dương có kinh nghiệm lái máy bay 11 năm với tổng cộng số giờ
bay hơn 1.600 giờ.
Bà Ngô Bình, phát ngôn viên của
chương trình phóng tàu vũ trụ, nói rằng sự tham gia của bà Lưu Dương là một sự
kiện có tính chất lịch sử. Bà nói rằng việc Trung Quốc đưa nữ phi hành gia đầu
tiên lên không gian không chỉ là một sự kiện có tính chất đột phá về mặt kỹ thuật,
mà còn có một ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội đối với Trung Quốc - nước vốn có
truyền thống trọng nam khinh nữ.
Tàu Thần Châu 9 sẽ tiếp tục
công việc của tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8 hồi năm ngoái, với sứ mệnh
tiến hành thí nghiệm công nghệ cần thiết để kết nối tàu tới trạm Thiên Cung.
Các cuộc thử nghiệm đã diễn ra rất tốt và khiến cho các quan chức Trung Quốc tự
tin về việc đưa người vào không gian.
Theo kế hoạch, tàu Thần Châu
9 sẽ tách khỏi tên lửa và tự động cập vào Trạm không gian Thiên Cung 1 - một
môđun không gian đang bay trên quỹ đạo cách mặt đất hơn 300 km.
Ngoài ra, phi hành đoàn cũng
sẽ thực tập việc cập tàu qua những thao tác của con người, thay vì cập tàu tự động.
Khi đó, các phi hành gia sẽ tách tàu khỏi trạm và họ rút vào một khoang tách rời
và sau đó điều khiển tàu của họ ghép nối về vị trí cũ. Phi hành gia Lưu Vương sẽ
là người điều hành thực hiện thao tác này.
Phát biểu tại buổi họp báo,
ông Lưu nói: “Chúng tôi đã tiến hành mô phỏng nhiều lần. Chúng tôi làm chủ được
kỹ thuật và các kỹ năng này. Trung Quốc có công nghệ và những phi hành gia hàng
đầu, do đó tôi tin chắc rằng chúng tôi sẽ thực hiện được việc ghép nối bằng tay
này”.
Trạm Thiên Cung là bước đi tiếp
theo trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm xây dựng và đưa vào hoạt động một trạm
vũ trụ lớn có người lái thường trực. Đây chỉ là dạng mẫu cho các môđun mà Trung
Quốc sẽ xây dựng để hoạt động trong quỹ đạo. Nắm vững các kỹ thuật và thủ tục
ghép nối là trọng tâm của chiến lược đó.
Với khối lượng tịnh khoảng 60
tấn, trạm được dự kiến này nhỏ hơn đáng kể so với các trạm quốc tế khác với tải
trọng vào khoảng 400 tấn mà các quốc gia như Mỹ, Nga, châu Âu, Canada và Nhật Bản
đã đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ riêng sự có mặt của trạm này trong không
gian dù sao cũng được đánh giá là một thành tích đáng kể.
Tàu "Thần châu-9" đang rời bệ phóng. Ảnh THX/TTXVN |
Theo các quan chức, trạm sẽ
được các tàu vận tải cung cấp đúng theo cách mà các tàu rôbốt vận tải chuyên chở
nhiên liệu, nước, thực phẩm, không khí và phụ tùng thay thế cho Trạm vũ trụ quốc
tế (ISS) hiện nay.
Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ
USD vào tham vọng không gian của mình. Họ đã có những nỗ lực mạnh mẽ về khoa học
không gian với hai vệ tinh quay quanh quỹ đạo được phóng lên mặt trăng. Quốc
gia châu Á này cũng đang triển khai hệ thống định vị vệ tinh riêng được biết đến
với tên BeiDou, hoặc Compass.
Chuyên gia Trung tâm Phân
tích Chiến lược và Công nghệ Vasily Kashin cho biết, Trung Quốc thực hiện
chương trình vũ trụ có người lái một cách có hệ thống và triệt để. Điều chủ yếu
và quan trọng trong chuyến bay này là lần đầu tiên Trung Quốc sẽ tổ chức lắp
ghép tàu vũ trụ có người lái với môđun quỹ đạo.
Ông Vasily Kashin nói: “Việc
lắp ghép sẽ được thực hiện với môđun quỹ đạo Thiên Cung 1, là mẫu hình trạm quỹ
đạo tương lai của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc không có tên lửa có thể đưa
lên quỹ đạo một trạm vũ trụ đầy đủ chức năng, do đó, họ sử dụng các môđun để kiểm
tra hệ thống trạm vũ trụ trong tương lai.
Trong hệ thống hỗ trợ cuộc sống
trên quỹ đạo, không có sự khác biệt giữa nam giới và phụ nữ, vì vậy Trung Quốc
muốn kiểm tra chính xác những hệ thống được thiết kế dành riêng cho phụ nữ làm
việc trên quỹ đạo. Do đó, phi hành đoàn bay thử nghiệm các môđun có một phụ nữ”.
Ông Vasily Kashin còn cho rằng,
Bắc Kinh có thể phát triển giai đoạn tiếp của kế hoạch vũ trụ có người lái sau
năm 2020. Đến giai đoạn đó, Trung Quốc sẽ có tên lửa đẩy mạnh cho phép bắt đầu
xây dựng một trạm không gian đầy đủ chức năng.
Hiện nay, Trung Quốc hoàn thiện
công nghệ lắp ghép thiết bị trên quỹ đạo với hai lần ghép nối tàu không người
lái Thần Châu 8 với môđun Thiên Cung 1 tháng 10/2011.
TTXVN/Tin Tức