Máy bay Boeing 747-400 của hãng hàng không Air China tại sân bay ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Năm 2017, người Mỹ chi gần 96 tỷ USD cho các sản phẩm điện thoại di động và máy tính nhập khẩu từ Trung Quốc, cao hơn nhiều so với các mặt hàng khác, nhưng các sản phẩm này tuyệt nhiên không hề có tên trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và chính quyền của Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25%. Ngược lại, Trung Quốc chi khoảng 1 tỷ USD/năm để nhập khẩu các loại da động vật từ Mỹ để sản xuất giày dép và nội thất ô tô, nhưng Bắc Kinh cũng không đưa chúng vào danh sách thuế trả đũa của mình.
Có thể thấy rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không nhắm vào các mặt hàng khó có thể nhập khẩu được từ nơi khác. Trung Quốc đưa đậu tương Mỹ vào danh sách vì nước này có thể dễ dàng nhập khẩu mặt hàng này từ các nước khác như Brazil, nhưng chất lượng da động vật của quốc gia Nam Mỹ này lại không tốt như của Mỹ. Tương tự, Trung Quốc đưa máy bay cỡ nhỏ vào danh sách các mặt hàng có khả năng chịu thuế trả đũa Mỹ, nhưng lại “cho qua” máy bay Boeing 747 và các loại máy bay cỡ lớn khác của Mỹ.
Lý do là máy bay do Trung Quốc sản xuất không thể bằng máy bay nước ngoài, và các hàng hàng không của nước này sẽ khó có thể tìm được các loại máy bay thay thế. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn có thể sử dụng máy bay cỡ lớn làm lợi thế thương lượng trong các cuộc đàm phán sau này. Ngược lại, 70% máy tính xách tay tại thị trường Mỹ là từ Trung Quốc, và Washington khó có thể tìm được nhà cung cấp thay thế nào khác.
Trong một số trường hợp, nhiều sản phẩm không có tên trong danh sách thuế vì chúng không tạo ra sự khác biệt đáng kể. Trung Quốc nhằm vào rượu whiskey và rượu vang của Mỹ, chứ không phải bia, vì Mỹ xuất khẩu khá ít bia. Mỹ cũng không “đếm xỉa” đến lượng da động vật ít ỏi nhập khẩu từ Trung Quốc mà chỉ nhắm đến các máy móc dùng để thuộc da và sản xuất giày.
Bên cạnh đó, hai nước cũng có nhiều lý do khác để xây dựng danh sách thuế của mình, một trong số đó là chính trị. Đậu tương được sản xuất ở các bang ở Trung Tây nước Mỹ như Iowa, vốn là bang đã bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016, nhưng vị Tổng thống này sẽ không còn được ủng hộ như thế nữa nếu ông khiến kế sinh nhai của họ bị đe dọa. Mới đây, Tổng thống Trump ngày 9/4 cho biết ông sẽ “bù đắp” cho những người nông dân bị ảnh hưởng bởi các mức thuế trả đũa như đề xuất của Trung Quốc.
Trong một diễn biến có liên quan, các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, quan chức chính phủ và các chuyên gia của Mỹ và Trung Quốc sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở New York vào ngày 12/4 tới, nhằm thảo luận về mối quan hệ kinh tế đang biến đổi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thể giới, xem xét các thách thức và tìm kiếm cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước.