Cuối cùng thì Belarus cũng đã nhận được cơ hội giúp nước này "giữ thể diện" khi được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông, sẽ được tổ chức tại Vilnius (Litva) vào tháng 11 tới.Tổng thống Alexander Lukashenko. Ảnh: Internet |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Andrei Savin cho biết cũng như 5 thành viên khác của Đối tác phương Đông, Belarus đã nhận được giấy mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước này với Liên minh châu Âu (EU).
Tuy giấy mời không ghi rõ tên Tổng thống Alexander Lukashenko, song Minsk không vì thế mà cảm thấy bị tổn thương. Hơn nữa, theo ông Andrei Savin, hình thức trình bày, nội dung cũng cách thức chuyển giấy mời đều tương tự như đối với 5 nước đối tác còn lại của Đối tác phương Đông là Azerbaijan, Armenia, Gruzia, Moldova và Ukraine.
Ông Andrey Savin khẳng định đây là một vấn đề mang tính nguyên tắc, chừng nào Belarus còn cho rằng cần phải bảo đảm tính chân thật và thực sự công bằng trong cách ứng xử của EU với 6 nước đối tác - láng giềng của EU. Vấn đề còn lại lúc này là Minsk có quyết định tham gia hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Sáng kiến Đối tác phương Đông hay không. Điều đó phụ thuộc vào thẩm quyền của người đứng đầu đất nước.
Bài báo viết tiếp, quyết định mời Belarus tham gia hội nghị thượng đỉnh của Đối tác phương Đông trên thực tế chỉ được thông qua vào chiều 15/10, sau khi Bộ Ngoại giao Litva, vốn chịu trách nhiệm gửi giấy mời tới các thành viên đối tác của EU có sáng kiến không ghi tên cụ thể lãnh đạo của từng nước. Như vậy, EU cũng không có lý do gì để phản đối việc Belarus chứ không phải đích danh người đứng đầu nhà nước này được mời tham dự.
Trong những năm trước, giấy mời tham gia hội nghị này luôn ghi rõ tên các nhà lãnh đạo được mời tham dự, song thực tế tương đối nhạy cảm khi mà các nước EU cực lực phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko, và việc ghi rõ tên họ đã đẩy tất cả các bên vào tình thế trớ trêu.
Đó thực sự sẽ là một khởi đầu không tốt đẹp cho một hội nghị nơi rất cần những tiếng nói đối thoại, thiện chí và am hiểu lẫn nhau. Là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến Đối tác phương Đông năm nay, Litva đã khắc phục được tình huống nhạy cảm này, khi mà không thể mời đến hội nghị có sự tham gia của đông đảo các nước EU một nhân vật bị chính khối này tẩy chay, song cũng không thể phớt lờ 1 trong tổng số 6 quốc gia đối tác của EU.
Thực tế có nhiều nhà lãnh đạo châu Âu "dị ứng" với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Thậm chí Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz còn gọi ông Lukashenko là "một tên độc tài có bàn tay dính máu, và ông ta không có chỗ đứng trong xã hội dân chủ của chúng tôi".
"Đối tác phương Đông" là sáng kiến của Ba Lan và Thụy Điển, nhằm cải thiện quan hệ của EU với các nước láng giềng Đông Âu. Tháng 12/2008, EU đã đồng ý về nguyên tắc khởi động dự án này. Sau đó 3 tháng, nguyên thủ các nước EU đã phê chuẩn đường lối của "Đối tác phương Đông" cũng như quyết định chi 600 triệu euro cho dự án này giai đoạn 2009-2013. "Đối tác phương Đông" gồm 6 nước láng giềng của EU là Azerbaigian, Armenia, Gruzia, Mondova, Ukraine và Belarus.
Tuy nhiên, sáng kiến "Đối tác phương Đông" hay kế hoạch Đông tiến của EU đã không được Nga chào đón, vì đe dọa sát sườn các lợi ích kinh tế và địa chính trị của Nga. Trên thực tế, Nga cũng không ít lần gây sức ép hoặc bóng gió về những cái được và mất khi các đồng minh truyền thống của mình ở Đông Âu có ý định "Tây tiến".
Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)