Mặc dù nước Mỹ vừa thoát hiểm vào phút chót khi lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội đạt được thỏa thuận chấm dứt tình trạng bế tắc về việc nâng trần nợ công, mở đường cho việc chính phủ hoạt động trở lại sau hơn 2 tuần đình trệ, nhưng nhiều Giám đốc điều hành (CEO) và các nhà kinh tế đều đồng ý một điểm: nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ có thể đến từ những đại biểu dân cử của nước này.Quốc hội Mỹ tại cuộc bỏ phiến ngày 16/10. Ảnh: CNN. |
Cho dù cuộc khủng hoảng nợ, ngân sách, cắt giảm chi tiêu bừa bãi và đóng cửa chính phủ kéo dài 16 ngày đến giờ phút này có thể không đủ để đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, nhưng sai lầm trong chính sách của Washington trong những năm gần đây đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng chậm lại và khoảng 2 triệu người không có việc làm.
Theo một số nhà kinh tế, cách quản lý khủng hoảng của chính phủ khiến các doanh nghiệp phải ngồi trên đống tiền của mình thay vì đi xây dựng các nhà máy mới, mua sắm trang thiết bị và thuê thêm công nhân.
"Càng ngày tôi càng nhận thấy rằng lý do tại sao nền kinh tế của chúng ta không thể có mức tăng trưởng cao hơn là do sự không chắc chắn mà Washington đã tạo ra", Mark Zandi , người đứng đầu nhóm phân tích kinh tế của Moody nói.
Mặc dù Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc mở cửa lại chính phủ và nới rộng thời hạn cho vay đến tháng 2/2014, nhưng thỏa thuận đã không đưa ra giải pháp nào để giải quyết các tranh chấp tiềm ẩn, khiến nhiều người lo sợ việc bế tắc và khủng hoảng có thể diễn ra một lần nữa trong thời gian tới.
Theo Greg Vallière, nhà phân tích thuộc tổ chức Nghiên cứu Potomac: "Chúng tôi bị một cuộc khủng hoảng kép sau một cuộc khủng hoảng. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực và ăn mòn nền kinh tế. Nếu bạn là một người kinh doanh, bạn sẽ làm gì để thực hiện kế hoạch của mình trong hoàn cảnh này?”.
Những CEO hàng đầu của Mỹ cũng đồng tình với quan điểm trên. "Hầu hết các CEO nói chuyện với tôi tại Mỹ cho biết họ đang nhận thấy sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh vì cách điều hành của chính phủ" - ông Laurence Fink , CEO tập đoàn quản lý tài sản khổng lồ BlackRock Inc nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 16/10 - "Tôi đã dự một cuộc hội thảo và nghe rất nhiều người trong số họ phàn nàn rằng có một sự suy thoái lòng tin của người tiêu dùng Mỹ bởi những tác động tiêu cực do chính sách của Washington, và điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tạo ra việc làm tại thời điểm nước Mỹ cần nhiều việc làm hơn".
Hiện mức độ đầu tư tư nhân tại Mỹ vẫn còn thấp hơn so với năm 2007. Những nhà tuyển dụng lao động cũng thuê công nhân với số lượng ít hơn so với trước suy thoái.
Trong một báo cáo được đưa ra đầu tuần này, Nhóm cố vấn kinh tế vĩ mô ước tính rằng có thể đã có hơn 1,2 triệu người Mỹ có việc làm nếu Quốc hội chi tiêu linh hoạt từ năm 2010. Nhóm trên cho rằng thái độ thất thường của Washington đã làm con số thất nghiệp tăng thêm hơn 900,000 người.
Ông Zandi thì nhận định chính sách thắt lưng buộc bụng đã làm mất 2,25 triệu việc làm. Nếu không có những chính sách trên thì tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 6,3% chức không phải ở mức 7,7% như hiện nay.
Vào tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho rằng những nỗ lực cắt giảm thâm hụt của Mỹ "quá nhanh và thiếu quy hoạch".
"Tôi nghĩ rằng thị trường đang bắt đầu phải học cách thích nghi với sự rối loạn của Washington”, ông Vallière nói.
CT (Theo Reuters)