Điểm sáng trong năm cầm quyền đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ

Chính phủ Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dẫn đầu sẽ kỷ niệm tròn một năm cầm quyền vào ngày 26/5/2015. 

 

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, NDA đã tiến hành cuộc cải cách mạnh mẽ nhất kể từ năm 1991.


Với thắng lợi tuyệt đối (281/543 ghế) trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện hồi tháng 5/2014, BJP đã nhanh chóng thành lập chính phủ và đưa ra các quyết định lớn nhằm vực dậy kinh tế, cải thiện an sinh - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng và đẩy mạnh chính sách đối ngoại. Các sáng kiến lớn của Thủ tướng Narendra Modi như “Hãy sản xuất tại Ấn Độ”, phát triển 100 “thành phố thông minh”, xây dựng “Ấn Độ kỹ thuật số”; “điện cho tất cả mọi người vào năm 2019”; “mở tài khoản cho tất cả người nghèo”… đã tạo nên một luồng gió mới tại Ấn Độ và khiến người dân đặt niềm tin lớn vào chính phủ.


Tuy nhiên, sau một năm cầm quyền, các nhà phân tích Ấn Độ vẫn còn nhiều ký kiến trái chiều về thành công của NDA. Có ý kiến cho rằng, chính phủ NDA, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, đã tiến hành cuộc cải cách mạnh mẽ nhất kể từ năm 1991, phục hồi tăng trưởng kinh tế và tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đánh giá trong một năm cầm quyền, chính phủ NDA đã đưa ra nhiều sáng kiến, nhiều quyết sách, nhưng hầu hết các sáng kiến và quyết sách đó vẫn nằm trên giấy tờ.


Mặc dù giành được đa số tại Hạ nghị viện, nhưng do không đủ đa số tại Thượng viện nên chính phủ NDA còn gặp khó khăn trong tiến trình thông qua các dự luật và đôi lúc phải viện tới sắc lệnh của tổng thống. Bên cạnh đó, BJP hiện chỉ nắm được quyền điều hành tại 1/3 số bang trên cả nước nên việc triển khai thực hiện các chính sách của chính phủ tại cấp địa phương còn gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn tại các bang Tây Bengal, Bihar, New Delhi… chính phủ NDA không giành được đa số tại Viện lập pháp bang nên việc triển khai các chính sách như mở cửa lĩnh vực bán lẻ cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn gặp khó khăn.


Chính sách ưu tiên vực dậy nền kinh tế và đưa kinh tế Ấn Độ trở lại con đường tăng trưởng cao bước đầu đã thu những kết quả đáng kích lệ, với GDP đạt mức tăng trưởng cao hơn dự kiến; tình trạng lạm phát, thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai giảm; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây tăng trưởng sản lượng công nghiệp có chiều hướng đi xuống, xuất khẩu trong tháng 4/2015 giảm 14% xuống còn 22,05 tỷ USD và là tháng thứ 5 liên tiếp giảm.


Các tổ chức tài chính như Quỹ tài chính quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's đều đưa ra những nhận định lạc quan về kinh tế Ấn Độ. Mới đây nhất, báo cáo công bố ngày 19/5 về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới (WESP) của Liên hợp quốc (LHQ) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2016, với mức tăng GDP đạt 7,7% và góp phần thúc đẩy tăng trưởng của khu vực Nam Á nói chung. Thế nhưng, giới phân tích tại Ấn Độ cho rằng giá xăng dầu thế giới giảm, nhập khẩu vàng được siết chặt hơn là những nguyên nhân giúp thâm hụt tài khoản vãng lai và lạm phát tại Ấn Độ giảm. Bên cạnh đó, phương thức tính GDP của Văn phòng thống kê Trung ương Ấn Độ khác trước làm cho mọi thứ có vẻ màu hồng, chứ  không phù hợp với bức tranh thực tế, khi các công ty báo cáo nhu cầu yếu và thu nhập giảm. Các sáng kiến và Chính sách mới của Chính phủ NDA nếu được triển khai thuận lợi cũng mất vài năm mới thu được kết quả tích cực.


Có thể nói lĩnh vực ngoại giao là điểm sáng nhất trong năm cầm quyền đầu tiên của chính phủ NDA. Trong 12 tháng qua, Thủ tướng Modi đã công du tới 18 nước và hàng loạt chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo các nước tới Ấn Độ cũng diễn ra dồn dập. Chính sách ngoại giao của chính phủ NDA dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi thực tế đã thu được những kết quả tích cực, đưa Ấn Độ trở lại vị thế nước lớn trên các diễn đàn quốc tế. Những quyết định táo bạo, chính sách ngoại giao mạnh mẽ của Thủ tướng Modi đã khuấy lên bầu không khí ngoại giao sôi động hiếm có tại Ấn Độ, thu hút sự chú ý của thế giới. Chính phủ Ấn Độ tiếp tục triển khai chính sách ưu tiên láng giềng, củng cố và tăng cường quan hệ với các nước khu vực Ấn Độ Dương, đẩy mạnh hợp tác với khu vực Đông Á, Đông Nam Á, với việc chuyển chính sách “Hướng Đông” thành “Hành động phía Đông”, mở rộng quan hệ với các nước lớn… Chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc từ ngày 14 - 19/5 đã kết thúc một năm hoạt động ngoại giao sôi động và chuyến công du sắp tới của ông tới Bangladesh, Nga và 5 nước Trung Á tiếp tục khẳng định chiến lược mở rộng quan hệ ngoại giao của chính phủ NDA.



Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)

 

“Nước cờ xuất sắc” của Thủ tướng Ấn Độ
“Nước cờ xuất sắc” của Thủ tướng Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kết thúc chuyến thăm 3 ngày tại Trung Quốc và tới Mông Cổ bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này trong ngày 17/5

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN