Tại cuộc bầu cử lần này, trên 7.000 ứng cử viên tranh cử vào quốc hội 290 ghế với nhiệm kỳ 4 năm.
Theo luật định, người thắng cử phải giành được ít nhất 20% số phiếu ủng hộ tại điểm bầu cử của họ. Trong trường hợp vẫn còn ghế quốc hội chưa được xác định do các ứng cử viên không hội đủ số phiếu cần thiết để có thể trúng cử, cuộc bầu cử vòng hai sẽ diễn ra vào tháng 4 tới. Quá trình kiểm phiếu sẽ được tiến hành bằng phương pháp thủ công nên kết quả chính thức cuối cùng khó có thể công bố sớm.
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh Iran đang phải gồng mình chống chọi với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, khi những căng thẳng giữa Tehran và Washington liên tục leo thang suốt cả năm 2019, có lúc tưởng chừng đã tiệm cận một cuộc đối đầu quân sự thực sự.
Nền kinh tế Iran đã sụt giảm 9,5% trong năm ngoái, tỷ lệ lạm phát lên tới 35%, trong khi xuất khẩu dầu mỏ, nguồn thu chủ lực của Tehran, giảm mạnh từ 2,1 triệu thùng/ngày hồi năm 2016 xuống chỉ còn khoảng 500.000 thùng/ngày hiện nay. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Iran sẽ không tăng trưởng trong năm nay và chỉ tăng 1% trong năm tới.
Tình hình này khiến đời sống của người dân ngày càng khó khăn, vật giá, đặc biệt là giá nhiên liệu, lại không ngừng tăng. Khó khăn kinh tế dẫn tới bất ổn xã hội cùng sự điều hành thiếu hiệu quả của chính phủ được cho là những yếu tố chính khiến người dân bức xúc và châm ngòi cho làn sóng biểu tình giận dữ ở nước này. Nhiều cuộc biểu tình đã lan rộng hồi tháng 11/2019 sau khi chính phủ quyết định cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, kéo theo các vụ bạo loạn và đụng độ gây thương vong lớn.
Tình hình càng vượt tầm kiểm soát sau sự việc quân đội Iran thừa nhận bắn nhầm chiếc máy bay chở khách của Ukraine vừa cất cánh từ thủ đô Tehran ngày 8/1 vừa qua, khiến toàn bộ 176 người trên máy bay, phần lớn là công dân Iran, thiệt mạng.
Trong bối cảnh đó, tỷ lệ cử tri đi bầu năm nay được dự báo là không cao, đạt khoảng 50%, thậm chí có thể thấp hơn. Tỷ lệ cử tri đi bầu ở các vùng nông thôn được cho sẽ cao hơn khu vực thành thị. Dự báo này xuất phát từ một thực tế rằng nhiều người dân Iran, đặc biệt là các cử tri ở các thành phố lớn, đang tỏ thái độ thờ ơ với cuộc bầu cử, nhất là khi chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani chưa thực hiện được những cam kết về phát triển kinh tế đất nước.
Trước thềm cuộc bầu cử, nhiều cử tri đã bày tỏ sự thất vọng và mệt mỏi đối với giới chính trị gia. Thực tế, một bộ phận dân chúng đã mất lòng tin vào các quyết sách của chính quyền đương nhiệm trong bối cảnh những tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đang ngày càng lộ rõ.
Giới quan sát cho rằng phe bảo thủ sẽ khai thác triệt để những điểm yếu trong cải cách kinh tế để giành ưu thế và lôi kéo sự ủng hộ của cử tri. Bên cạnh đó, phe ủng hộ Đại giáo chủ Ali Khamenei được đánh giá sẽ là bên “hưởng lợi” từ việc tỷ lệ đi bầu thấp trong cuộc bầu cử này. Với những “hàng rào kỹ thuật” được dựng lên trước thềm bầu cử, con đường dẫn tới trụ sở Quốc hội Iran của các thành viên phe bảo thủ đang có vẻ như “thông thoáng” hơn những lần trước rất nhiều.
Có thể thấy rằng kỳ bầu cử năm nay một lần nữa lại phản ánh sự chia rẽ chính trị sâu sắc ở nước Cộng hòa Hồi giáo với cuộc ganh đua quyết liệt của hai lực lượng chính là phe cải cách vốn ủng hộ Tổng thống Hassan Rouhani và phe bảo thủ gồm những nhân vật trung thành với Đại giáo chủ Ali Khamenei.
Cuộc bầu cử quốc hội Iran cách đây 4 năm đã ghi đậm dấu ấn của Tổng thống Rouhani với phần thắng thuộc về phe ủng hộ cải cách. Sau cuộc bầu cử năm 2016, số ghế trong Quốc hội Iran được duy trì ở mức 41% cải cách, 29% bảo thủ và 28% độc lập. Nhưng năm nay, tình thế có vẻ khó khăn hơn rất nhiều đối với các đảng theo đường lối ôn hòa và cải cách.
Sau khi Hội đồng Giám hộ (cơ quan giám sát bầu cử quốc gia) thẩm định hồ sơ lý lịch, chỉ còn khoảng 7.150 ứng cử viên trong tổng số hơn 16.000 người đăng ký đủ điều kiện và được phép tham gia tranh cử. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, rất nhiều ứng cử viên ủng hộ chủ trương cải cách hoặc theo đường lối ôn hòa từng được đánh giá là “giàu triển vọng”, đã bị loại. Ngoài ra, khoảng 1/3 số nghị sĩ đương nhiệm cũng không được phép tái tranh cử trong cuộc đua lần này.
Một số chính trị gia, trong đó có Tổng thống Rouhani, đã bày tỏ sự bất bình, cho rằng Hội đồng Giám hộ đã cố tình “loại bỏ có chủ đích” các ứng cử viên ủng hộ ông nhằm tạo thuận lợi và mở đường cho chiến thắng của phe bảo thủ.
Trên thực tế, cơ quan giám sát bầu cử quốc gia Iran vốn được Đại giáo chủ Ali Khamenei hậu thuẫn. Nhiều dự báo cho rằng phe bảo thủ, với những yếu tố “thiên thời, địa lợi” như vậy, sẽ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lần này. Tuy nhiên, sự thờ ơ của cử tri và làn sóng phản đối giới lãnh đạo đang lan rộng ở quốc gia Hồi giáo này khiến diễn biến trên chính trường Iran trong cuộc bầu cử quốc hội trở nên khó lường.
Cuộc bầu cử lần này cũng chính là “phép thử” đối với Tổng thống Rouhani, kết quả bầu cử sẽ báo hiệu triển vọng chính trị của nhà lãnh đạo này khi năm tới Iran sẽ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống. Nếu cơ quan lập pháp tối cao của Iran nhiệm kỳ tới do những nghị sĩ thuộc phe bảo thủ và cứng rắn chiếm đa số, ông Rouhani sẽ phải chịu nhiều sức ép. Mọi quyết sách của nhà lãnh đạo theo đường lối cởi mở và ôn hòa này sẽ gặp nhiều trở ngại.
Với tình hình chia rẽ và phức tạp trên chính trường Iran hiện nay, thật khó để dự đoán cuộc bầu cử quốc hội lần này có phải là cơ hội để giúp đất nước Cộng hòa Hồi giáo thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị hay không.
Tuy nhiên, dù kết quả bầu cử ra sao, chính sách đối ngoại và hạt nhân của Tehran nhiều khả năng sẽ không thay đổi đáng kể, bởi lâu nay Đại giáo chủ Khamenei được cho vẫn là người nắm quyền lực tối cao ở Iran, là nhân vật có “tiếng nói cuối cùng” trong mọi vấn đề hệ trọng của quốc gia Trung Đông này. Hay nói cách khác, lập trường cứng rắn của Tehran đối với Mỹ và phương Tây sẽ không thay đổi sau sự kiện chính trị quan trọng này. Nếu phe bảo thủ và cứng rắn thắng thế như dự đoán của giới phân tích, vị thế và quyền lực của Đại giáo chủ Khamenei càng được củng cố.
Nước Cộng hòa Hồi giáo cũng có thể sẽ “khép kín” và “thu mình” hơn đối với các đối tác phương Tây vì từ trước đến nay, lực lượng chính trị này luôn bảo lưu lập trường phản đối các cuộc đàm phán với phương Tây, trái ngược với chủ trương của Tổng thống Rouhani.