Sự cường điệu trên các phương tiện truyền thông về những hậu quả nghiêm trọng của tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là chuyện giật gân. Hiện nay Nga đang xây dựng các lò phản ứng thế hệ thứ ba tốt hơn và an toàn hơn nhiều.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, đến năm 2030, sử dụng năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi. Điều này đã được Tổng Giám đốc IAEA Yukio Amano công bố gần đây khi đến thăm Nga. Ông Yukio Amano lưu ý rằng điện hạt nhân không chỉ là vấn đề của các nước phát triển mà cả các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, cũng cần phải có quyền tiếp cận năng lượng hạt nhân hòa bình.
Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Ohi thuộc Công ty điện lực Kansai ở thị trấn Ohi, quận Fukui, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Điều này đã được nêu lên khi Giám đốc IAEA thăm nhà máy điện hạt nhân Kalinin ở Nga - nơi các chuyên gia hạt nhân Việt Nam đang được đào tạo để vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong cả nước. Ông Yukio Amano đã làm quen với các thiết bị đảm bảo an toàn của nhà máy và đưa ra sự đánh giá cao nhất.
Mới đây, ông Duncan Hawthorne, tân Chủ tịch Hiệp hội các nhà khai thác hạt nhân thế giới cũng đã nói về sự an toàn của điện hạt nhân. Tiện thể nói thêm là Việt Nam cũng mong muốn tham gia hiệp hội này. Ông Duncan Hawthorne nói rằng nếu sau khi tai nạn xảy ra năm 1986 tại Chernobyl, ngành hạt nhân Nga cần trợ giúp, thì đến nay nó đã có vị thế mạnh mẽ. Ngành công nghệ hạt nhân Nga đã vượt ra ngoài biên giới và lan rộng trên khắp thế giới chính nhờ tiêu chuẩn an toàn cao, Chủ tịch Hiệp hội của nhà khai thác hạt nhân thế giới nhấn mạnh.
Những vấn đề liên quan đến an toàn nhà máy điện hạt nhân đã trở nên đặc biệt khẩn cấp sau tai nạn tại nhà máy Fukushima của Nhật Bản. Tai nạn này đã khiến cho số lượng đối thủ của điện hạt nhân trên toàn thế giới tăng lên. Nhưng có điều thú vị là trong khu vực lân cận nhà máy, số lượng người ủng hộ năng lượng hạt nhân lớn hơn nhiều so với khu vực xa hơn. Giám đốc chương trình vốn xây dựng của “Rosatom” Sergey Boyarkin cho biết các số liệu sau: “Trung bình mức hỗ trợ năng lượng hạt nhân của Nga là 45%. Và trong khu vực có nhà máy con số này là 65%”.
Vậy thì liệu nhà máy điện hạt nhân có nguy hiểm như nhiều người hình dung hay không? Ông Sergei Boyarkin dẫn ra số liệu thống kê mà tiếc thay ít người được biết: “Không có ai trực tiếp thiệt mạng từ vụ tai nạn tại nhà máy Fukushima. Trong khi đó, tại tỉnh này, cũng do sóng thần, một số nhà máy hóa dầu bị cháy gây hậu quả hàng chục nạn nhân. Nhà máy điện hạt nhân đã được chuẩn bị để đối phó với thiên tai tốt hơn hơn so với các nhà máy khác”.
Tiếp theo, bất chấp sự cường điệu trong các phương tiện truyền thông, không có người dân nào trong khu vực nhà máy điện hạt nhân bị nhiễm xạ nghiêm trọng. Còn xung quanh các nhà máy hóa dầu, nhiều người đã bị ngộ độc do sản phẩm hóa chất bốc cháy có độc tính cao.
Thứ ba, không ai trong số những người khắc phục hậu quả vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân bị nhiễm xạ đe dọa cuộc sống hoặc sức khỏe. Liều phóng xạ họ phải chịu cũng tương đương với những lần chúng ta chiếu tia X khi qua khám nghiệm trong bệnh viện.
Như vậy, sự cường điệu trên các phương tiện truyền thông về những hậu quả nghiêm trọng của tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là chuyện giật gân, giám đốc chương trình vốn xây dựng của “Rosatom” Sergey Boyarkin khẳng định. Và nói thêm là các lò phản ứng tại Fukushima thuộc thế hệ thứ hai. Hiện nay Nga đang xây dựng các lò phản ứng thế hệ thứ ba tốt hơn và an toàn hơn nhiều. Các lò phản ứng như vậy sẽ được bố trí tại nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ở Ninh Thuận.
TTXVN/Tin tức