Điều gì cản trở Tổng thống Trump cấm thiết bị 'độ' súng sau vụ thảm sát tại Parkland?

Tổng thống Donald Trump ngày 21/2 đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp soạn thảo lệnh cấm 'bump stock', loại thiết bị cho phép một khẩu súng bán tự động bắn liên thanh hàng trăm phát đạn trong vòng một phút như súng máy. Tuy nhiên giải pháp này khó trở thành hiện thực bởi một trở ngại pháp lý.

Người đi xem hòa nhạc bỏ chạy tại hiện trường vụ xả súng ở Las Vegas, nơi hung thủ lắp thiết bị độ súng, bắn chết 58 người vô tội.

Thiết bị "bump stock" (báng súng đẩy hay báng súng liên thanh) được hung thủ vụ xả súng đẫm máu buổi hòa nhạc ở Las Vegas năm ngoái sử dụng để giúp súng bán tự động của hắn bắn nhanh và liên tục.

Tuy nhiên, một lệnh cấm như yêu cầu của Tổng thống Mỹ có thể sẽ đối mặt với thách thức tại tòa án liên bang về tính hợp pháp của nó. Các cơ quan liên bang Mỹ trước đây đã kết luận rằng họ không đủ thẩm quyền pháp lý để tự đưa ra lệnh cấm loại thiết bị "độ" súng nói trên.

Nhân viên cửa hàng súng giới thiệu cách thức hoạt động của thiết bị "bump stock" trong cửa hàng ở Raleigh, bang North Carolina, Mỹ.

Đối mặt với những áp lực chính trị sau vụ xả súng tại Trường trung học Parkland, Florida vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu áp dụng một quy định mới về kiểm soát thiết bị "độ" súng. “Tôi đã ký bản ghi nhớ chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp đề xuất các quy định cấm tất cả các thiết bị biến vũ khí hợp pháp thành súng máy”, Tổng thống Trump thông báo tại Nhà Trắng ngày 21/2.

Theo trang Business Insider, vấn đề nằm ở chỗ các luật liên bang cấm nghiêm ngặt việc sở hữu súng máy (súng tự động hoàn toàn), tuy nhiên trên nguyên tắc, một chiếc 'bump stock' lại không biến khẩu súng bán tự động (vốn được sở hữu hợp pháp tại Mỹ) thành súng máy. Đó là lý do tại sao nhiều năm qua, các cơ quan liên bang đều khẳng định họ không đủ thẩm quyền để cấm thiết bị này. Nếu cố tình đưa ra một lệnh cấm "bump stock" theo yêu cầu của Tổng thống, Bộ Tư pháp có thể phải giải trình trước tòa án về tính hợp pháp của quy định đó.

Tại sao lại như vậy? Luật liên bang Mỹ định nghĩa: “súng máy là bất cứ loại vũ khí nào bắn, hoặc được thiết kế để bắn tự động nhiều hơn một phát đạn mà không phải lên đạn lại bằng tay, nhờ một lần bóp cò duy nhất”.

Trong khi đó, một chiếc báng súng liên thanh "bump stock" có thể khiến khẩu súng bán tự động nhả đạn liên tục giống như súng máy, nhờ cho phép người cầm súng bóp còn nhiều lần trong một giây, nhưng nó không cho phép khẩu súng nhả nhiều đạn bởi chỉ một lần bóp cò.

Vì lý do này, Cục Rượu, Thuốc lá và Vũ khí cầm tay (ATF) Mỹ từng đưa ra kết luận dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama rằng họ thiếu thẩm quyền pháp lý để cấm thiết bị "độ" súng “bump stock”. Tháng 12 năm ngoái, tờ New York Times đưa tin rằng các quan chức ATF thông báo với nhiều quan chức liên bang và địa phương rằng họ không thể cấm báng súng liên thanh nếu như quốc hội không ra luật mới.

Thời chính quyền Obama, ATF đã không thúc đẩy quy định cấm “bump stock” bởi những tranh cãi về việc cấm thiết bị này còn yếu ớt do luật pháp hiện hành. Một giải pháp quyết định số phận “bump stock” phải là luật, do quốc hội thông qua. Quốc hội Mỹ có thể thông qua luật cấm thiết bị "độ" súng và Tổng thống có thể ký nó, tuy nhiên trên thực tế thì Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) của Mỹ - nhóm lợi ích gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên chính trường Mỹ - đã gây sức ép mạnh mẽ với phe Cộng hòa nhằm cản trở một đạo luật như vậy.
 
Thiết bị "bump stock" là gì?

Cận cảnh thiết bị "bump stock" trong một cửa hàng súng tại Mỹ. Ảnh: AP

"Bump stock" (báng súng đẩy) thực chất là một loại lẫy đạn giúp súng bán tự động bắn nhanh như súng máy, với hàng trăm phát đạn trong vòng một phút. Tại Mỹ, thiết bị này được mua bán hợp pháp, với giá chỉ 100 đôla mà không cần kiểm tra lý lịch hình sự.

Thiết bị này được tay cờ bạc 64 tuổi Stephen Paddock sử dụng để bắn liên tiếp vào đám đông nghe hòa nhạc ngoài trời ở Las Vegas tháng 10/2017, khiến 58 người chết, hơn 500 người bị thương. Đây được coi là vụ xả súng tồi tệ nhất tại Mỹ do một cá nhân thực hiện.

Phân tích âm thanh cho thấy kẻ tấn công đã bắn 90 viên đạn trong vòng 10 giây từ cửa sổ phòng hắn ta thuê tại khu nghỉ dưỡng Mandalay Bay.

Giá những khẩu súng được tìm thấy trong kho của hung thủ thảm sát tại Las Vegas, Stephen Paddock hồi tháng 10/2017. Đồ họa: BBC

Ngoài "bump stock", Tổng thống Trump còn có biện pháp kiểm soát súng nào khác?

Trong một thông báo ngày 20/2, Nhà Trắng cho biết đã nghĩ đến việc xem xét lại độ tuổi giới hạn của người mua súng trường tấn công kiểu AR-15, giống loại được sử dụng trong vụ xả súng tuần trước ở Parkland, Florida. Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, khi được hỏi về yêu cầu độ tuổi, nói: "Tôi nghĩ chắc chắn đó là điều chúng tôi sẽ đặt lên bàn thảo luận và chúng tôi hy vọng sẽ bàn thảo về vấn đề này trong vài tuần tới."

Hiện tại, giới hạn độ tuổi ở hầu hết các tiểu bang của Mỹ khi mua khẩu AR-15 là 18.

Ngoài ra, cuối tuần trước, Tổng thống Trump cũng nói rằng ông ủng hộ một dự luật lưỡng đảng nhằm cải thiện việc kiểm tra tại chỗ trước khi ai đó có thể mua một khẩu súng. Đạo luật này dự kiến sẽ vá lỗ hổng trong hệ thống kiểm tra lý lịch của FBI, nơi đã xử lý hơn 25 triệu đơn đăng ký sở hữu súng chỉ riêng trong năm ngoái.

Những sai sót trong cơ sở dữ liệu này bị phơi bày sau vụ xả súng trường học ở Florida tuần trước, được cho là thực hiện bởi tay súng 19 tuổi có tiền sử rối loạn sức khỏe tâm thần. Thiết bị "bump stock" không được sử dụng trong cuộc tấn công này.

Top 10 nước có người dân sở hữu súng cao nhất thế giới. Ở Mỹ là 90 khẩu súng/100 dân theo kết quả khảo sát năm 2011. Nguồn: BBC

Thu Hằng/Báo Tin Tức
Tại sao Mỹ chưa thông qua dự luật kiểm soát súng đạn?
Tại sao Mỹ chưa thông qua dự luật kiểm soát súng đạn?

Chỉ trong chưa đầy hai tháng đầu năm 2018, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trường học, gây ra làn sóng phẫn nộ kêu gọi Quốc hội Mỹ thắt chặt các biện pháp kiểm soát súng vốn đã bị trì hoãn từ lâu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN