Điều gì đang đợi Palextin khi nỗ lực trở thành nhà nước độc lập?

Một quan chức cấp cao Palextin cho rằng Mỹ đang tỏ thái độ coi thường người Arập khi tìm cách ngăn cản Palextin giành được sự công nhận của Liên hợp quốc (LHQ) là một nhà nước độc lập.


Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas (phải) đã có cuộc gặp với Đặc phái viên Nhóm Bộ Tứ về tình hình Trung Đông Tony Blair (trái)ngày 6/9. THX-TTXVN


Mỹ lo ngại việc Palextin yêu cầu Đại hội đồng LHQ công nhận quy chế nhà nước độc lập của Palextin thông qua cuộc bỏ phiếu vào ngày 20/9 có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ trong nối lại các cuộc hòa đàm cho Trung Đông. Hòa đàm đã bị đổ vỡ hồi năm ngoái do bất đồng Palextin-Ixraen về khu định cư Do Thái.

Ngày 7/9, ông David Hale, đặc phái viên Mỹ về Trung Đông đã hội đàm với Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas trong nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn các nỗ lực vận động của Palextin tại LHQ. Nhưng rõ ràng, ông đã không mang lại được triển vọng nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Ixraen.
Phát biểu với hãng Reuters sau cuộc họp, Trợ lý cấp cao cho Tổng thống Abbas, Nabil Abu Rdainah, nói: "Tổng thống Abbas đã nhắc lại lập trường của mình rằng vị thế của Palextin sẽ được đưa ra giải quyết tại LHQ, vì phía Ixraen vẫn từ chối công nhận khái niệm rõ ràng về một nhà nước Palextin độc lập và tiếp tục xây dựng các khu định cư".

Trong khi đó, Yasser Abed Rabbo - Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palextin (PLO) - cho rằng chính sách của Mỹ hiện dường như chỉ nhằm vào một mục tiêu duy nhất là ngăn cản Palextin tiến hành sáng kiến ngoại giao của mình tại LHQ. Phát biểu với Đài tiếng nói Palextin, ông nói: "Vấn đề không phải là về các khu định cư, nền độc lập của Palextin, quyền của người dân Palextin, hay ngăn chặn các vụ vi phạm bạo lực của người định cư nhằm vào người Palextin mà là Mỹ đang tìm cách ngăn cản Palextin đưa những vấn đề của mình ra LHQ. Hành động này của Mỹ cho thấy nước này coi thường vị thế của Palextin".

Với lý do tiến trình hòa bình kéo dài hai thập kỷ qua đã "mất tác dụng", Palextin đang tìm cách nâng cao vị thế ngoại giao của mình tại LHQ. Động thái mà Palextin đưa ra được coi là bước đi hướng tới vị thế ngang tầm trong sân chơi với Ixraen. Ixraen, giống như Mỹ, đã phản đối động thái này của Palextin vì cho rằng động thái này nhằm phá hoại tính hợp pháp riêng của Ixraen và rằng quy chế một nhà nước độc lập của Palextin chỉ có thể đạt được bằng một thỏa thuận thông qua thương lượng.

Palextin đang tìm cách trở thành một nhà nước độc lập ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem - các vùng lãnh thổ bị Ixraen chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Vòng hòa đàm cuối cùng giữa Palextin và Ixraen đã đổ vỡ hồi tháng 10/2010 do mâu thuẫn về việc Ixraen mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây và Đông Jerusalem. Phía Palextin cho rằng các khu định cư này cản trở họ thiết lập chủ quyền lãnh thổ.

Trước cuộc gặp giữa Tổng thống Abbas với đặc phái viên Hale, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã điện đàm cho ông Abbas và kêu gọi ông Abbas "tiếp tục phối hợp tích cực với Mỹ để tránh một kịch bản tiêu cực tại New York vào cuối tháng này" - ý nói tới cuộc họp của Đại hội đồng LHQ.
Việc Mỹ phản đối những động thái của Palextin tại LHQ sẽ làm tiêu tan bất kỳ nỗ lực nào của Palextin xin gia nhập LHQ vì vấn đề này cần được Hội đồng Bảo an LHQ (mà trong đó, Mỹ nắm quyền phủ quyết) thông qua.

Đoán trước được việc này, các quan chức Palextin cho biết họ có thể yêu cầu Đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết, qua đó nâng vị thế của họ từ một thực thể sang một nước thành viên không đầy đủ của LHQ - giống như quy chế hiện nay của Vaticăng.

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN