Tàu Trung Quốc tiến sát tàu cá Philippines gần Scarborough. Ảnh: AP |
Trang mạng “Straistimes” ngày 28/6 có đăng bài phân tích về tình hình Biển Đông với tiêu đề “Biển Đông: Sau phán quyết The Hague sẽ là gì?” của tác giả Hugh White, Giáo sư nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Australia tại Canberra.
Theo bài viết, có 2 viễn cảnh có thể xảy ra: một là Trung Quốc lờ đi phán quyết và vẫn tiếp tục hành xử như trước; và hai là Trung Quốc tức tối leo thang căng thẳng ở khu vực, thách thức sức mạnh Mỹ.
Sắp tới đây, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague sẽ ra phán quyết đối với vụ kiện mà Philippines đưa ra về tính pháp lý của một số tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự chú ý hiện đang tập trung phần lớn vào phán quyết của tòa đối với những tuyên bố của Trung Quốc về quyền sở hữu không rõ ràng toàn bộ vùng lãnh hải nằm trong “đường 9 đoạn” mà nước này tự vạch ra. Các nước trong và cả ngoài khu vực, nhất là Mỹ- nước hy vọng và trông đợi tòa sẽ bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc - đang hết sức chờ đợi phán quyết. Song phán quyết sẽ đem lại điều gì khác biệt, dù giả sử- theo như đa số các chuyên gia- rằng nó sẽ chống lại Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng này? Bắc Kinh đã từ chối công nhận sự phân xử của tòa, không tham gia các phiên tòa, và liên tiếp tuyên bố rằng họ sẽ không quan tâm tới phán quyết.
Liệu Trung Quốc có làm điều gì tồi tệ không? Mỹ, cùng với các nước bạn bè và đồng minh, cho rằng một phán quyết chính thức của một tòa án được quốc tế công nhận sẽ gia tăng áp lực lương tâm và ngoại giao đối với Trung Quốc để Bắc Kinh ngừng đưa ra những tuyên bố chủ quyền và lãnh hải phi lý một cách mạnh mẽ như thế. Washington dường như tin rằng đối mặt với một phán quyết không có lợi, Bắc Kinh rốt cuộc sẽ phải thấy rằng tổn thất về mặt ngoại giao đối với vị thế của mình ở Đông Nam Á đã trở nên quá lớn.
Song những bằng chứng mới đây nhất lại cho thấy điều khác. Tuần vừa qua, Trung Quốc để căng thẳng leo thang với cường quốc quan trọng nhất của Đông Nam Á- Indonesia. Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ việc Indonesia có phản ứng mạnh đối với các tàu đánh cá hoạt động ở khu vực mà Jakarta tuyên bố là Vùng đặc quyền kinh tế của mình xung quanh Đảo Natuna. Khu vực này cũng nằm trong “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc ngay lập tức đã khiến Indonesia có những hành động cứng rắn đáng ngạc nhiên. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho Lực lượng Vũ trang Quốc gia Indonesia (TNI) triển khai thêm lực lượng tới khu vực này và đích thân cùng các bộ trưởng thực hiện một chuyến đi đáng chú ý tới thực địa nhằm nhấn mạnh tính nghiêm túc của Jakarta. Vậy mà Trung Quốc xem ra không quá lo lắng. Không thấy có dấu hiệu rằng các lãnh đạo Trung Quốc đang bắt đầu cảm thấy áp lực ngoại giao.
Và điều đó đặt ra một câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra tiếp nếu Trung Quốc cứ lờ đi phán quyết của tòa? Cụ thể thì Washington sẽ làm gì?
Ngày 23/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố số lượng các quốc gia "ủng hộ" Trung Quốc đang tăng lên từng ngày. Những phát ngôn như vậy bị cộng đồng quốc tế nghi ngờ.
|
Rõ ràng Washington sẵn sàng cho những rắc rối. Trong một vài tháng qua, Mỹ đã phản ứng trước cái mà nước này coi là sự leo thang gây bất ổn của Bắc Kinh bằng cách cử thêm lực lượng của mình tới khu vực. Đỉnh điểm là việc triển khai hai đội tàu sân bay tới Philippines trong những ngày vừa qua. Đây là sự phô trương công khai lớn nhất sức mạnh quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương kể từ khi nước này đưa hai tàu sân bay để đối đầu với Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ở Đài Loan (Trung Quốc) năm 1996. Động thái này đơn thuần là gửi một thông điệp rõ ràng về quyết tâm của Washington.
Song, chính xác là quyết tâm làm cái gì?Hãy xem xét hai viễn cảnh. Trong viễn cảnh thứ nhất, Trung Quốc không làm gì ngoài việc đưa ra bác bỏ có lời lẽ mạnh mẽ để phản ứng lại phán quyết của tòa. Nước này không dừng lại ở những gì đang làm mà tiếp tục những bước đi chậm, không công khai nhằm mở rộng sự hiện diện và tăng cường vị thế của mình tại các khu vực tranh chấp. Trong trường hợp này, khi Trung Quốc không có hành động phản ứng nào quá khiêu khích, sẽ khó mà thấy Mỹ có thể làm gì với toàn bộ lực lượng quân sự mà họ đã triển khai.
Trong viễn cảnh thứ hai, Trung Quốc quyết định phải có phản ứng mạnh hơn nữa trước phán quyết bất lợi của PCA. Ví dụ, Trung Quốc có thể tuyên bố áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, như đã làm ở Biển Hoa Đông năm 2013. Hoặc có thể Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo và tạo thêm một căn cứ mới trên bãi Scarborough, như đã làm ở các bãi đá khác trong những năm qua. Trung Quốc đã chiếm bãi Scarborough- nằm khá gần Phillipines - từ tay Philippines năm 2012.
Mỹ đã cảnh cáo Trung Quốc không được thực hiện các bước tiến này, và việc triển khai quân đội của Mỹ rõ ràng là nhằm hậu thuẫn cho những cảnh báo trên. Dường như Mỹ gửi thông điệp rằng Washington sẽ sẵn sàng dùng lực lượng quân sự để đáp trả bất cứ động thái nào của Trung Quốc nhằm tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á.
Cách đe dọa thẳng thừng kiểu này đã có tác dụng 20 năm trước về vấn đề Đài Loan. Song khi đó, Trung Quốc không có cách nào khả dĩ có thể đánh đắm tàu sân bay Mỹ, và thiệt hại kinh tế nếu đoạn tuyệt với Bắc Kinh xem ra có thể chấp nhận được. Còn giờ mọi chuyện đã khác: Bất cứ một vụ đụng độ quân sự nào với Trung Quốc sẽ đem lại những nguy cơ chiến lược và tổn hại kinh tế không lường hết được. Sẽ khó mà hình dung Tổng thống Barack Obama điềm tĩnh và đầy tính toán lại chấp nhận những chi phí và nguy cơ như thế. Việc một tổng thống mới sẽ được bầu vào tháng 11 tới và nhậm chức tại Nhà Trắng vào tháng 1/2017 đơn thuần chỉ càng làm tăng thêm tình trạng không rõ ràng của Nhà Trắng.
Điều đó đặt ra câu hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh cố thách thức Mỹ, và xúc tiến tiếp các động thái khiêu khích như đã nói ở trên?
Washington lúc đó sẽ phải đối mặt với những lựa chọn tai hại. Hoặc là rút lui, thừa nhận uy thế khu vực đang lên của Trung Quốc và đồng thời từ bỏ vai trò lãnh đạo của Mỹ; hoặc là dấn thân vào một cuộc đụng độ vũ trang mà có thể leo thang thành một cuộc xung đột lớn. Liệu Bắc Kinh có mạo hiểm thách thức Mỹ? Hi vọng rằng không, nhưng mọi sự vẫn có thể xảy ra, và khiến tình hình có khả năng trở nên rất nguy hiểm.