Không lâu sau khi chính thức đảm nhận chiếc ghế lãnh đạo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi động chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay. Kể từ đó đến nay đã có hơn 1 triệu quan chức Trung Quốc "ngã ngựa".
Cũng trong khoảng thời gian này, một hiện tượng khác nổi lên đó là nhiều quan chức từ cấp trung ương đến địa phương qua đời trong tình trạng truyền thông gọi là “cái chết bất thường” phần lớn do tự tử.
Dữ liệu hoàn chỉnh chưa được công bố chính thức nhưng truyền thông Trung Quốc cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2009-2016, có ít nhất 243 quan chức đã tự tử với tỷ lệ cao nhất diễn ra kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu trong năm 2013.
Chỉ tính riêng trong tháng 11 năm nay, ít nhất 6 quan chức địa phương Trung Quốc đã tự kết liễu cuộc đời, trong đó có một nhân vật đảm nhận trách nhiệm về an ninh xã hội tại thành phố Ngõa Phòng Điếm, tỉnh Liêu Ninh. Quan chức này đã nhảy từ văn phòng ở tầng cao xuống. Bên cạnh đó quan chức phụ trách tài chính tại Shifang tỉnh Tứ Xuyên, quan chức quản lý chính quyền điện tử tại tỉnh Hắc Long Giang, Phó thị trưởng thành phố Hohhot thuộc Nội Mông đều có lựa chọn là treo cổ trong văn phòng.
Trong tháng 11, ông Zheng Xiaosong, người đứng đầu văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Macau đã nhảy lầu tự tử. Chính quyền lý giải rằng ông Zheng Xiaosong mắc chứng trầm cảm dẫn đến sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, nhiều người quen biết ông Zheng Xiaosong đều khẳng định ông là một người hướng ngoại.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin trong khi trầm cảm thường là nguyên nhân được trích dẫn nhiều nhất cho cái chết bất thường của các quan chức, chiếm 50%, nhưng các nhà phân tích và truyền thông lại đánh giá hiện tượng này lên quan tới chiến dịch chống tham nhũng.
Nhiều trường hợp có thể thấy khá rõ khi các quan chức tự tử trong thời điểm họ bị điều tra tham nhũng. Ví dụ điển hình nhất là Tướng Trương Dương treo cổ tự tử tại nhà riêng.
Trường hợp khác lại không liên quan trực tiếp như vụ việc Phó Thị trưởng thành phố Hohhot Li Zhibin trong ngày 1/11 treo cổ tại văn phòng, chỉ một ngày sau khi Phó Giám đốc Công an tại Nội Mông bị bắt vì nghi ngờ tham nhũng.
Truyền thông Trung Quốc nghi ngờ rằng những nhân vật này tự tử để không dính dánh đến vụ việc của đồng nghiệp, cấp trên và tránh liên lụy đến gia đình.
Các tổ chức nghiên cứu quốc tế cũng cho biết tỷ lệ tự tử tại Trung Quốc nằm trong mức cao nhất toàn cầu trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước nhưng đến nay đã giảm xuống vị trí thấp.
Năm 2017, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hà Nam đã dựa trên thông tin truyền thông đăng tải để rút ra các kết luận đặc biệt. Dựa trên 81 trường hợp quan chức tự tử, phần lớn đều nằm trong độ tuổi trung niên và giữ chức vụ bậc trung.
Hơn 50% lựa chọn nhảy lầu, 23,4% treo cổ và 7,4% là chết đuối. Chỉ có 55,6% vụ việc quan chức tự tử được công bố nguyên nhân trong khi 44,4% còn lại vẫn là ẩn số.
Tại Trung Quốc, trầm cảm vẫn là vấn đề chưa được chú ý nhiều. Trong giới chính khách, việc thừa nhận mắc bệnh tâm thần là tối kỵ và ảnh hưởng không nhỏ tới con đường sự nghiệp của họ. Diễn biến này đã khiến chính phủ Trung Quốc báo động và thực hiện nhiều nghiên cứu để tìm ra biện pháp ngăn chặn trầm cảm, bao gồm cả tư vấn tâm lý.
Trong khi đó, đài truyền hình trung ương Trung Quốc vào tháng 11 phản ánh rằng áp lực công việc và thời gian làm kéo dài đã góp phần gây các bệnh thần kinh, trong đó có trầm cảm, đối với những người giữ cương vị lãnh đạo ở nước này.
Tuy nhiên, điều này không hề làm thuyên giảm “sức nóng” của những cuộc thi tuyển công chức tại Trung Quốc. Trong tháng 11, đã có 1,2 triệu người đăng ký thi tuyển công chức cho 14.500 vị trí. Tính chất ổn định, lương hưu là yếu tố thu hút thanh niên Trung Quốc muốn làm việc trong bộ máy nhà nước.