Điều tra vũ khí hóa học biến Syria thành Iraq thứ hai?

Trong bối cảnh nhóm điều tra vũ khí hóa học thuộc Liên hợp quốc (LHQ) bắt đầu triển khai tại Syria, nhiều người tại quốc gia này bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu có phải cộng đồng quốc tế đang cố tìm một "cái cớ" để hợp lý hóa các hành động can thiệp quân sự vào Syria, tương tự những gì đã diễn ra khi Mỹ tấn công Iraq hồi năm 2003 với lý do là để phá hủy kho vũ khí hóa học - trên thực tế không tồn tại - của quốc gia này?

Một nguyên nhân khác cũng khiến người ta không khỏi băn khoăn về vấn đề trên là việc bổ nhiệm chuyên gia người Thụy Điển Ake Sellstrom - từng là cựu thanh sát viên vũ khí của LHQ tại Iraq - làm trưởng nhóm điều tra tại Syria. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là lần này, cuộc điều tra tại Syria được tiến hành dựa trên một thỏa thuận giữa LHQ và chính quyền nước sở tại.

Lực lượng vũ trang Syria tuần tra gần Al-Manashir, khu vực lân cận Jobar - nơi lực lượng nổi dậy dùng để sản xuất vũ khí hóa học ngày 14/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Thỏa thuận nói trên cho phép các thanh tra LHQ tiến hành điều tra các cáo buộc liên quan đến việc quân nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn miền Bắc Khan al-Assal. Tuy nhiên, phe đối lập Syria cũng đã kêu gọi LHQ tiến hành điều tra hành vi sử dụng vũ khí hóa học tại hai địa điểm không được công bố.

Ít nhất 25 người đã thiệt mạng và 130 người khác bị thương trong sự kiện ngày 19/3 khi một số đối tượng có vũ trang bắn một quả rocket có chứa nguyên liệu hóa học vào khu vực Khan al-Assal. Chính quyền và phe đối lập tại Syria cáo buộc lẫn nhau là thủ phạm của vụ tấn công này và đều phủ nhận trách nhiệm liên quan.

Kể từ năm 2012, Mỹ và một số nước châu Âu đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ các vũ khí hóa học của Syria có thể "rơi vào tay các phần tử xấu" nếu chính quyền Syria sụp đổ. Israel cũng tuyên bố họ đã có kế hoạch can thiệp vào quốc gia này để bảo vệ các kho vũ khí nếu "chế độ (Assad) tan rã".

Trong khi Washington nói rằng việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học sẽ là hành động "vượt qua ranh giới đỏ" và buộc cộng đồng quốc tế phải tiến hành can thiệp quân sự, Damascus vẫn liên tục khẳng định "ngay cả khi sở hữu các loại vũ khí này, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ sở hữu chúng", đồng thời cảnh báo quân nổi dậy có thể đã chế tạo thành công các quả bom hóa học và sẽ sử dụng các loại vũ khí này nhằm vào dân thường để đổ tội cho quân đội chính quyền và kích động các chiến dịch quân sự của nước ngoài.

Mặc dù các nhà phân tích Syria cho rằng Mỹ có ý định lặp lại kịch bản Iraq, song họ phủ nhận khả năng tái diễn kịch bản tương tự do "bối cảnh đặc biệt" của Syria. Họ cho rằng các đồng minh quốc tế của Tổng thống Bashar al-Assad cùng tình hình hiện tại ở Syria khó có khả năng trở thành các nhân tố kích động một cuộc can thiệp quân sự nước ngoài, ít nhất là trong giai đoạn hiện tại.

Chuyên gia về chính trị Hmaidi al Abdullah nói với Tân Hoa xã: "Các nước phương Tây, và nhất là Mỹ, đang có ý định tái diễn kịch bản Iraq tại Syria" song ông nhấn mạnh rằng kế hoạch này sẽ không thành công do "môi trường chính trị cùng thế cân bằng quyền lực trên thế giới hiện tại đã khác so với trước đây".

Ông Abdullah giải thích rằng "vào thời điểm diễn ra chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Iraq, cộng đồng quốc tế bị chi phối bởi quyền lực của phương Tây, nhất là Mỹ", song tình hình hiện đã khác. Theo ông, lập trường gần đây của Moscow đã chấm dứt thế độc tôn của phương Tây. Cùng với đó, điều khác biệt cơ bản giữa hồ sơ Iraq và Syria là thỏa thuận giữa các cường quốc trong Hội đồng Bảo an LHQ đã khiến các cuộc điều tra mang tính công bằng hơn.

Về phần mình, Maher Morhej, chủ tịch Đảng Thanh niên Syria, cũng chia sẻ quan điểm của ông Abdullah rằng mặc dù các nước phương Tây có ý định tái diễn kịch bản Iraq song kế hoạch này đã bị cản trở bởi bối cảnh thực tế trong khu vực và trên toàn thế giới nói chung. Morhej nói: "Nhiệm vụ duy nhất của cuộc điều tra là xác định xem liệu có phải các loại vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria hay không chứ không phải là xác định các đối tượng phải chịu trách nhiệm về hoạt động này. Đó là một trong những điểm đã được các bên nhất trí theo thỏa thuận. Tôi không cho rằng mọi chuyện có thể diễn biến tương tự như trường hợp tại Iraq". Ông cũng cho rằng các cường quốc phương Tây đã lấy vấn đề vũ khí hóa học để lôi kéo sự chú ý của dư luận đối với các loại vũ khí hóa học mà Syria sở hữu cũng như nhấn mạnh hơn quan ngại về việc các kho vũ khí này có thể rơi vào tay các phần tử xấu nếu chính quyền sụp đổ.


TTK
Thủ lĩnh hàng đầu Hezbollah tại Syria thiệt mạng
Thủ lĩnh hàng đầu Hezbollah tại Syria thiệt mạng

Một thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hồi giáo Hezbollah đã thiệt mạng trong một trận chiến với các lực lượng đối lập Syria tại khu vực Damascus.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN