Các nguồn tin y tế cho biết ít nhất 15 người đã bị thiệt mạng tại Cairo ngày 8/7, còn Tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi đã bị nã súng khi họ đang ở gần tòa nhà quân sự nơi ông đang bị giam giữ.Tình trạng bạo loạn và đổ máu càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng
hoảng chính trị ở Ai Cập, làm leo thang cuộc chiến đấu giữa quân đội,
lực lượng đã lật đổ ông Morsi hôm 4/7 sau các cuộc biểu tình rầm rộ của
người dân yêu cầu ông từ chức, và Tổ chức Anh em Hồi giáo - lực lượng đã
lên án đây là hành động đảo chính.
Người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohammed Morsi bị bắn trong cuộc đọ súng ở quảng trường thủ đô Cairo ngày 5/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Quân đội cho biết "một nhóm khủng bố" đã cố tìm cách xâm nhập vào trụ sở của lực lượng Vệ binh Cộng hòa và một sỹ quan quân đội đã bị sát hại, 40 người khác bị thương. Một nguồn tin quân sự cho biết các binh lính đã phải phản pháo vì họ bị những kẻ lạ mặt có vũ trang tấn công.
Người phát ngôn chính thức của Tổ chức Anh em Hồi giáo, ông Gehad El-Hadda, cho biết 37 người ủng hộ ông Morsi đã thiệt mạng trong vụ nổ súng diễn ra vào sáng sớm ngày 8/7, khi những người Hồi giáo đang cầu nguyện và phát động một cuộc biểu tình ngồi hòa bình bên ngoài trụ sở của lực lượng Vệ binh Cộng hòa.
Hậu quả trước mắt là đảng al-Nour theo đường lối bảo thủ cực đoan, ban đầu ủng hộ việc quân đội can thiệp, đã tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ lâm thời. Các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ mới vốn đã gặp rắc rối từ trước khi xảy ra vụ nổ súng ngày 8/7, sau khi đảng al-Nour phản đối hai ứng cử viên thủ tướng theo xu hướng tự do.
Hai ứng cử viên này do Tổng thống lâm thời A. Mansour đề xuất. Đảng al-Nour, đảng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập, cho biết họ rút khỏi các cuộc đàm phán để phản đối cái mà họ gọi là "cuộc thảm sát tại trụ sở của lực lượng Vệ binh Cộng hòa". Người phát ngôn của đảng này, ông Nader Bakar, viết trên facebook: "Chúng tôi tuyên bố sẽ rút khỏi mọi cuộc đàm phán, đây là phản ứng đầu tiên của chúng tôi".
Quân đội khó có thể lấp đầy khoảng trống chính trị tại thời điểm tình trạng bạo lực leo thang và nền kinh tế trì trệ. Tình trạng bạo lực giữa những người ủng hộ và chống cựu Tổng thống Morsi trên các đường phố ở Cairo, Alexandria và nhiều thành phố khác trên khắp đất nước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các đồng minh Ai Cập - trong đó có các nhà tài trợ then chốt là Mỹ và châu Âu - và cả Israel, nước đã ký hiệp ước hòa bình với Ai Cập năm 1979.
Ít nhất 35 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực ngày 5-6/7. Cảnh tượng hàng trăm nghìn người tụ tập ở nhiều nơi tại Cairo là một sự gợi nhắc về nguy cơ bất ổn hơn nữa tại quốc gia này. Hanim Ahmad Ali Al-Sawi, 55 tuổi, đã dành cả ngày 7/7 đứng bên ngoài trụ sở của lực lượng Vệ binh Cộng hòa, nơi ông Morsi bị giam giữ kể từ khi đảo chính. Bà nói: "Chúng tôi sẽ không rời đi cho đến khi ông Morsi quay trở lại. Chúng tôi có thể sẽ hy sinh như những chiến sỹ cảm tử".
Washington không lên án việc quân đội Ai Cập lật đổ ông Morsi và cũng không gọi đây là một cuộc đảo chính, làm dấy lên những nghi ngờ trong nội bộ Tổ chức Anh em Hồi giáo rằng Mỹ chủ ý ủng hộ hành động này. Washington cũng đã ra lệnh xem xét kỹ lưỡng việc có nên cắt khoản viện trợ hàng năm trị giá 1,5 tỷ USD của Mỹ cho Ai Cập hay không. Phần lớn số tiền này được rót cho quân đội Ai Cập.
Trên thực tế, Ai Cập khó có thể trụ vững nếu mất nguồn viện trợ nước ngoài. Nước này đang thiếu tiền mặt trầm trọng và có khả năng sụp đổ nếu không nhanh chóng được tiếp cận nguồn tiền trợ cấp từ nước ngoài. Dự trữ ngoại tệ của Ai Cập đã giảm 1,12 tỷ USD trong tháng 6/2013 xuống còn 14,92 tỷ USD.
Hôm 7/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo tình hình Ai Cập có nguy cơ biến thành một cuộc nội chiến. Các hãng thông tấn trích dẫn lời ông Putin nói rằng "Syria đã rơi vào nội chiến, thật không may, điều này vẫn chưa đủ, Ai Cập cũng đang dịch chuyển theo hướng này".
TTK