Kết quả cuộc gặp một lần nữa chứng minh rằng bằng thiện chí và chân thành, các bên có thể vượt qua được rất nhiều bất đồng để tìm được tiếng nói chung.
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (trái) và Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son-gwon (phải) tại cuộc đàm phán cấp cao liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom ngày 9/1. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Những thỏa thuận cụ thể mà hai bên đạt được sau 11 giờ thương thảo cho thấy cả Hàn Quốc và Triều Tiên đã tận dụng khá hiệu quả “cơ hội vàng” đối thoại lần này. Ngoài thỏa thuận về việc Triều Tiên cử đoàn tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 2 tới, vốn là chủ đề quan trọng dẫn tới cuộc đàm phán lần này, phái đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc cũng nhất trí kế hoạch tiến hành hội đàm quân sự nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ liên Triều. Bên cạnh đó, hai bên cũng tán thành tiếp tục gặp lại để giải quyết những bất đồng và tránh xung đột bùng phát ngoài ý muốn.
Phải nói rằng cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đang thể hiện thái độ xây dựng và thiện chí, tránh mọi động thái đối đầu. Trong khi Seoul tuyên bố sẽ cân nhắc tạm thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng để tạo điều kiện cho đoàn thể thao Triều Tiên dự Olympic, thì ở chiều ngược lại, Triều Tiên cũng thông báo đã hoàn tất công tác bảo trì kỹ thuật để mở lại đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc ở bờ Tây, vốn bị cắt đứt gần 2 năm nay.
Những thỏa thuận hai bên đạt được qua cuộc đàm phán cấp cao cũng đang được xúc tiến triển khai, hứa hẹn mang đến những kết quả trên thực tế. Ngay trong sáng 10/1, quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành thử đường dây nóng quân sự giữa hai miền vừa được nối lại. Phía Hàn Quốc cũng đã bắt đầu các bước chuẩn bị cho cuộc đàm phán quân sự đầu tiên với Triều Tiên trong suốt hơn 3 năm qua.
Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang tới ngưỡng nguy hiểm trong suốt cả năm 2017, việc cả Bình Nhưỡng và Seoul “chìa cành ôliu” cho nhau ngay những ngày đầu năm 2018 đang phát đi những tín hiệu đáng mừng. Cách tiếp cận “ngoại giao thể thao” này cũng đang nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, bởi một khi thành công, đây sẽ là động thái hạ nhiệt căng thẳng hữu hiệu, thậm chí còn có thể là một bước đi tích cực tạo cơ sở cho các cuộc đối thoại trong tương lai nhằm tháo gỡ hàng loạt vấn đề bất đồng vốn khởi nguồn những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hơn thế nữa, cuộc đối thoại này còn có thể coi như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tất nhiên, cuộc đối thoại liên Triều lần này, như tất cả các bên liên quan đều thừa nhận, mới chỉ là bước khởi đầu. Những gì tiếp sau mới có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực mang lại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Trước mắt, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có lẽ sẽ tạm lắng dịu trong 2 tháng tới, ít nhất là tới sau Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 (từ ngày 9 - 25/2) và Paralympic vào tháng 3, bởi Mỹ và Hàn Quốc đã xác nhận sẽ hoãn cuộc tập trận "Đại bàng non" và “Giải pháp then chốt” cho đến sau các sự kiện thể thao quan trọng này.
Dù vậy, cần phải nhìn nhận thực tế rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hậu Olympic PyeongChang vẫn hết sức phức tạp và khó có thể dự đoán trước, nhất là khi nó không chỉ có quan hệ trực tiếp tới hai miền Triều Tiên mà còn dính líu tới nhiều bên, nhất là các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.
Xét cho cùng, mục tiêu lâu nay của Seoul và liên minh Mỹ - Nhật - Hàn vẫn luôn là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng lại kiên định lập trường rằng chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này chỉ nhằm mục đích tự vệ trước Mỹ. Nói cách khác, Triều Tiên gần như sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân như yêu cầu của Mỹ và đồng minh. Vấn đề Triều Tiên chắc chắn là một cuộc chơi địa chính trị lớn và các bên liên quan đều đang cẩn trọng tính toán những bước đi tiếp theo của mình.
Dù hoan nghênh cuộc gặp, song Nhật Bản vẫn bảo lưu quan điểm cứng rắn trong cách tiếp cận với Triều Tiên, khi cho rằng các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với chương trình vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng hiện nay cần phải được duy trì nghiêm ngặt.
Trong khi đó, sau phản ứng ban đầu tương đối lạnh nhạt, cho rằng động thái của Bình Nhưỡng là nhằm làm suy yếu nỗ lực của Washington, Tổng thống Donald Trump đã gọi cuộc gặp liên Triều này là “một điều tốt”, “một khởi đầu lớn”, và muốn nội dung tiếp xúc không chỉ về Olympic.