Gần 7 năm trước, sự ra đời của cậu bé Kentaro Yokobori được xem là một “điều kỳ diệu” tại làng Kawakami thuộc tỉnh Nagano, Nhật Bản. Kentaro là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra sau 25 năm tại ngôi làng chủ yếu là người cao tuổi này, nhờ việc cha mẹ cậu rời thành phố về làng sinh sống. Suốt 1/4 thế kỉ, làng Kawakami không có ca sinh mới nào, trong khi người trẻ tuổi rời đi và người cao tuổi lần lượt qua đời. 40 năm trước, làng Kawakami có khoảng 6.000 người sinh sống, song giờ đây dân số đã giảm xuống còn 1.150 người. Đáng quan ngại, tình trạng suy giảm dân số như tại làng Kawakami hết sức phổ biến ở nhiều khu vực trên khắp Nhật Bản.
Năm 2022, số ca sinh tại Nhật Bản lần đầu giảm xuống dưới 800.000, còn số ca tử vong tăng 8,8% lên 1,58 triệu. Với số ca tử vong cao gần gấp đôi số ca sinh, Nhật Bản đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng nhất trên thế giới. Ngay từ đầu năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cảnh báo nước này đang đứng trước bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội. Theo Thủ tướng Kishida, vấn đề này cần được giải quyết “ngay bây giờ hoặc không bao giờ nữa”. Tỷ lệ sinh thấp và dân số già dẫn tới quỹ lương hưu và chi phí chăm sóc y tế khổng lồ, gây áp lực lên đầu tư và ngân sách chính phủ. Dân số già cũng làm giảm chi tiêu tiêu dùng, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Nếu tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động kéo dài, sẽ rất khó để Nhật Bản duy trì vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Trái ngược với Nhật Bản, Ấn Độ, quốc gia tỷ dân đang trên đà trở thành đất nước đông dân nhất thế giới, lại “đau đầu” với tình trạng thiếu việc làm do sự bùng nổ dân số trẻ. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2021, có 900 triệu người dân Ấn Độ ở trong độ tuổi lao động, một “lợi tức nhân khẩu học” mang theo những tiềm năng to lớn để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Ấn Độ lên tới 23%. Trung bình, sau khi tốt nghiệp, chỉ 1 trong 4 sinh viên có việc làm. Anh Vishu Yadav, 25 tuổi, ở quận Ghazipur, bang Uttar Pradesh, có bằng thạc sĩ và đã vượt qua bài kiểm tra tư cách giáo viên nhưng vẫn đang thất nghiệp, bởi công việc liên quan giảng dạy khan hiếm và có hơn 1 triệu người ứng tuyển vào các vị trí viên chức bang. Anh Yadav chia sẻ: “Tình hình thật chán nản và vô vọng. Có quá nhiều thanh niên có trình độ mà số việc làm lại quá ít.”
Dù có sự khác biệt rõ rệt, song những thay đổi nhân khẩu học như tại Nhật Bản hay Ấn Độ đều tác động mạnh mẽ tới kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn cầu. Trong bối cảnh dân số thế giới tiếp tục tăng dù với tốc độ chậm, đồng thời chuyển sang xu hướng dân số già không thể đảo ngược, việc hoạch định những chính sách có thể giúp các xã hội thích ứng với thay đổi nhân khẩu học là rất quan trọng. Điều này nhằm đảm bảo không có gia đình hay cá nhân nào bị bỏ lại phía sau, bởi thay đổi nhân khẩu học cũng tác động mạnh đến cuộc sống và hạnh phúc của mọi gia đình.
Năm nay, Ngày Quốc tế gia đình của Liên hợp quốc (15/5) đã chọn chủ đề “Các xu hướng nhân khẩu học và các gia đình”, nhằm nâng cao nhận thức về những thay đổi nhân khẩu học lớn và tác động của chúng đối với các gia đình trên toàn thế giới, với mục tiêu đề xuất các chính sách chủ động hướng đến gia đình.
Trong bối cảnh sự thay đổi nhân khẩu học diễn ra nhanh chóng, các nhà hoạch định chính sách cần chuẩn bị cho một thế giới mà độ tuổi trung bình ở khu vực châu Phi cận Sahara trẻ hơn 24 tuổi so với châu Âu, hay tỷ lệ sinh ở Niger là hơn 6, còn ở Hàn Quốc là gần 1… dù sẽ không có một giải pháp phù hợp cho tất cả các quốc gia. Tại Ấn Độ, ước tính nước này cần tạo ra ít nhất 90 triệu việc làm phi nông nghiệp vào năm 2030 để tận dụng lực lượng lao động trẻ. Chính phủ Ấn Độ sẽ phải tăng cường các chương trình học nghề và cải thiện kỹ năng cho người lao động, thu hút đầu tư toàn cầu để tạo điều kiện cho giới trẻ tham gia thị trường lao động. Trong khi đó, Nhật Bản cần tìm cách tăng tỷ lệ sinh bằng các biện pháp như tăng trợ cấp thai sản, mở thêm các cơ sở giữ trẻ, tạo điều kiện để phụ nữ cân bằng giữa công việc và gia đình, cũng như mở rộng chính sách nhập cư hay tăng tuổi nghỉ hưu.
Để thích ứng với các thay đổi nhân khẩu học, các nhà hoạch định chính sách cần phân tích dữ liệu dân số, đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình, trao quyền cho người dân tự chịu trách nhiệm về các lựa chọn sinh sản. Nắm được quỹ đạo nhân khẩu học, các nhà hoạch định chính sách có thể xây dựng các hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhu cầu chăm sóc y tế trong hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, khi tuổi thọ con người được kéo dài hơn, cần đầu tư vào các chương trình giáo dục cho mọi lứa tuổi, để đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội phát triển ở mọi giai đoạn trong cuộc đời.
Bằng cách trao quyền cho các quốc gia tận dụng lợi thế nhân khẩu học, thế giới mới có thể tạo ra các xã hội có khả năng chống chịu với những thay đổi nhân khẩu học. Ông Shantanu Mukherjee, Giám đốc bộ phận Phân tích kinh tế và chính sách của Cơ quan kinh tế và các vấn đề xã hội LHQ (UNDESA) cho rằng: “Các quốc gia phải chủ động nhận thấy lợi tức nhân khẩu học tiềm năng của dân số trẻ, nhằm đem lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế, như một bước chuẩn bị cho sự già hóa, vốn là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi”. Trong khi đó, bà Daniela Bas, Giám đốc bộ phận Chính sách xã hội và phát triển của UNDESA khẳng định: “Với tình trạng dân số già ở tất cả các khu vực, sự bất bình đẳng và bất ổn kinh tế ở những người lớn tuổi hơn có thể gây nguy hiểm cho tiến trình hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững và làm suy yếu niềm tin vốn đã lung lay vào các chính phủ.”
Việt Nam đang chuẩn bị đón công dân thứ 100 triệu trong tháng 4 này, sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển nhân khẩu Việt Nam, đưa Việt Nam chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới, và một trong 3 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có quy mô dân số 100 triệu người.
Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số 100 triệu đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là không ít thách thức. Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, đặt ra yêu cầu đổi mới trong các chính sách xã hội. Năm 2021, số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 12,8% dân số, tương đương 12,6 triệu người. Dự báo đến năm 2036, con số này sẽ tăng lên 20%.
Việc xây dựng kế hoạch và chuẩn bị kỹ càng trước sự thay đổi nhân khẩu học sẽ giúp các nước có thể đón đầu các xu hướng nhân khẩu học để tạo lợi thế cho mình, qua đó hướng tới xây dựng một xã hội thịnh vượng lâu dài, đem lại hạnh phúc cho các thành viên trong mọi gia đình.