Tăng cường hiện diện luân phiên của Mỹ ở Đông Nam Á và Australia không có nghĩa là Washington cắt giảm đồn trú quân sự thường trực. Đơn giản, đó sẽ là một thành tố quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á. Đó là thông điệp được Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Amy Searight đưa ra, được tờ Asahi Shimbum của Nhật Bản đăng tải hôm 2/10.Trong cuộc trao đổi với phóng viên của Asahi Shimbum, bà Searight đã đề cập đến các thách thức đang nổi lên ở châu Á, gắn với đó là chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu lục này, nhất là về mặt quân sự.
Về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông và quan điểm của Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ không đưa ra được phản ứng rõ ràng về sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời tuyên bố không thể nghi ngờ về quan điểm của Washington trước các thách thức nổi lên tại khu vực.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Amy Searight. Ảnh: AP |
Bà Searight cho biết, Mỹ đã có được thông tin về những hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, liên quan đến việc cải tạo đất đá ở một số bãi ngầm, bày tỏ quan ngại trước những hành động đơn phương có thể hủy hoại các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao thông qua đàm phán, hợp tác đa phương. “Mỹ không đứng về một bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, chúng tôi có lợi ích quốc gia tại đây, liên quan đến tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trong luật pháp quốc tế, không gây cản trở cho các hoạt động thương mại trên Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên làm sang tỏ và chứng tỏ tuyên bố của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ.
Cam kết của Mỹ được bà Searight phân tích sâu hơn khi nói về chiến lược tái cân bằng ở châu Á, với điểm nhấn quan trọng là đồn trú quân sự luân phiên. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nêu bật kết quả đạt được tại Hội nghị tham vấn bộ trưởng ngoại giao - quốc phòng Australia - Mỹ (AUSMIN 2014) được tổ chức tại Sydney hồi tháng 8 vừa qua. Nổi lên là việc hai nước kí Hiệp định Bố trí lực lượng quân sự Mỹ - Australia (FPA), với việc Mỹ sẽ triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ tại Australia theo phương thức luân phiên. Trước câu hỏi của phóng viên về khả năng mở rộng đối tác tham gia Hiệp định này, bà Searight cho biết, ý tưởng này đã được đưa ra thảo luận, hướng đến Nhật Bản và một số nước ASEAN.
Lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú tại Australia theo phương thức luân phiên. Ảnh: Reuters |
Theo phân tích của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đồn trú luân phiên đã và đang được Mỹ xúc tiến triển khai,thông qua các thỏa thuận được ký kết với các đối tác như Singapore, Australia, Philippines. Theo đó, Mỹ sẽ “tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh để duy trì nền tảng cho an ninh quốc tế và khu vực… Đồn trú luân phiên sẽ cho phép chúng tôi tăng cường sự hiện diện ở khu vực theo một cách thức đặt dấu ấn nhẹ nhàng đối với các đồng minh”. Nó cho phép Mỹ và đồng minh phản ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả với các cuộc khủng hoảng có thể nổ ra ở khu vực (ví như thảm họa nhân đạo); tăng cường huấn luyện đa phương, hợp tác với các đồng minh để bảo đảm an ninh khu vực.
Bà Searight nhìn nhận, tăng cường đồn trú luân phiên không có nghĩa là Mỹ sẽ giảm hiện diện thường trực. Đó là phương thức hợp tác phù hợp, không gây ra trở ngại hay các tranh cãi nhạy cảm đối với nước sở tại, đồng thời vẫn bảo đảm được sự “hiện diện quen thuộc” của Mỹ tại khu vực. Sẽ không có thay đổi trong bố trí thường trực của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc và các liên minh Mỹ - Hàn, Mỹ - Nhật vẫn được xem là trụ cột.
Hoài Thanh (
Theo Asahi Shimbum)