Động cơ can thiệp vào Libi và Cốt Đivoa của Pháp

Theo mạng tin "Stratfor" ngày 5/4, việc Pháp can thiệp vào Libi và Cốt Đivoa là muốn cho Đức thấy rằng để châu Âu có một vai trò toàn cầu thực sự, châu lục này cần phải có khả năng quân sự và ngoại giao.

Máy bay phản lực chiến đấu Rafale cất cánh từ tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle, ngày 29/3 ở Địa Trung Hải, tham gia chiến dịch không kích Libi . AFP/TTXVN


Thực tế, Pháp hiện là nước phương Tây đi đầu trong cả hai chiến dịch ở Cốt Đivoa và Libi. Cho đến nay, Pháp đã nói rõ ý định trực tiếp can thiệp chống lại Tổng thống thất cử Laurent Gbagbo tại Cốt Đivoa và từ ngày 4/4, Pháp đã chính thức chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự tại cả hai quốc gia châu Phi này. Quân Pháp đang có mặt tại Cốt Đivoa để đảm bảo chế độ Gbagbo không có khả năng chống lại các lực lượng của Tổng thống đắc cử Ouattara. Còn tại Libi, không quân Pháp đang tích cực tham gia các hoạt động quân sự của liên quân.

Mặc dù Pháp không chính thức tuyên bố can thiệp để thay đổi chế độ, song các quan chức Pháp đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo M. Kadhafi không còn được chấp nhận là người cầm quyền tại Libi, đồng thời cũng là nước hung hăng nhất trong việc tìm cách lật đổ Kadhafi. Còn đối với Cốt Đivoa, cuộc điện đàm ngày 4/4 giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Ouattara cho thấy Pari không chỉ hỗ trợ mà còn trực tiếp phối hợp ở cấp cao nhất với đối thủ của Gbagbo.

Việc đồng thời dính líu vào hai chiến dịch thay đổi chế độ là đầy rủi ro về chính trị. Việc thay đổi chế độ là không dễ dàng và một thất bại có thể nhanh chóng có tác dụng ngược lại ở trong nước, như cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã từng biết rõ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2006. Vấn đề là sự thất bại có nhiều hình thức khác nhau, từ việc không lật đổ được chế độ, đến không xử lý được cuộc nổi dậy có thể diễn ra sau đó. Vậy tại sao Sarkozy lại khởi xướng hai cuộc can thiệp quân sự ở hai đầu châu Phi, khi tại thời điểm này, khả năng thất bại tại Libi đang cao hơn nhiều khả năng thành công?

Câu trả lời đơn giản là uy tín của Sarkozy đang thấp đến mức kết quả một số cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông ta không thể chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng một, nếu bầu cử được tổ chức vào thời điểm này. Do vậy, ông Sarkozy đang sử dụng hai chiến dịch quân sự để tập hợp sự ủng hộ trước các cuộc bầu cử năm 2012. Trước đây, ông Sarkozy cũng đã thành công phần nào trong việc sử dụng hoạt động quốc tế để thúc đẩy uy tín ở trong nước. Mặc dù không ai biết cử tri Pháp có ủng hộ Sarkozy nhờ những hành động quốc tế hiện nay không, nhưng có lẽ Sarkozy không có gì nhiều để mất và do đó những rủi ro là chấp nhận được.

Một điều cũng đáng lưu ý là Pháp hiện đang có khả năng tiến hành can thiệp quân sự tại hai quốc gia châu Phi, trong khi quân Pháp cũng đang tham chiến tại Ápganixtan. Chắc chắn là có nguyên nhân khiến Pháp làm như vậy: Libi chỉ cách Pháp biển Địa Trung Hải và Pari có nhiều tài sản quân sự gần Cốt Đivoa. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự này vẫn minh họa cho khả năng viễn chinh vượt trội của Pháp so với các nước châu Âu khác. Quan trọng là công luận Pháp hầu như không phản đối sự tham gia của Pari vào các sứ mạng quân sự, ngược hoàn toàn với sự tức giận của người Pháp trước sự can thiệp của Mỹ tại Irắc và cả sự can thiệp của liên minh do Mỹ chỉ huy tại Ápganixtan. Thêm vào đó, Pháp đang hoạt động tại Libi và Cốt Đivoa mà không phải nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ của họ với Đức. Trục Pari - Béclin đã hợp tác chặt chẽ trong 12 tháng qua trong vấn đề khủng hoảng kinh tế khu vực đồng euro. Pari cũng đang sát cánh với Oasinhtơn và Luân Đôn trong cả hai chiến dịch can thiệp quân sự.

Vì thế, hai chiến dịch can thiệp của Pháp tại Libi và Cốt Đivoa đang có vai trò lớn hơn hoạt động chính trị trong nước. Pháp muốn lưu ý Đức rằng việc kết hợp giữa sức mạnh kinh tế của Đức và sức mạnh quân sự của Pháp có thể nâng cao vị thế của châu Âu.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Máy bay Pháp khai hỏa tại Libi
Máy bay Pháp khai hỏa tại Libi

Theo giới chức quân sự và các quan chức Bộ Quốc phòng Pháp, ngày 19/3, máy bay chiến đấu nước này đã khai hỏa ở Libi vào lúc 16 giờ 45 phút giờ GMT, tức 23 giờ 45 phút giờ Hà Nội

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN