Ngày 5/5, một quan chức cấp cao của Israel xác nhận với hãng tin AFP rằng nước này đã thực hiện một cuộc không kích gần thủ đô Damascus của Syria đêm 4/5. Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Feisal Al-Mikdad đã lên tiếng phản đối, coi vụ không kích này như “một lời tuyên chiến” và cho biết Syria sẽ chọn thời gian và biện pháp thích hợp và cần thiết để giáng trả. Hiện trường vụ oanh tạc của Israel, ngày 5/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo "Đông phương Nhật báo" của Hong Kong ngày 6/5, mục tiêu chính của cuộc không kích Syria đêm 4/5 là kho chứa tên lửa đất đối đất Fateh-110 do Iran sản xuất. Đây là loại vũ khí không những có tầm bắn bao phủ đại bộ phận lãnh thổ Israel, mà còn có khả năng định vị mục tiêu chính xác. Hành động của Israel rõ ràng là nhằm ngăn chặn khả năng các vũ khí gây chết người này rơi vào tay phong trào vũ trang Hezbollah, đồng thời cảnh cáo kẻ địch không được vượt qua giới hạn đỏ.
"Đông Phương Nhật báo" cho rằng hiện nay Syria đã rơi vào nội chiến và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad nghiêng ngả như cây bị dập vùi trong mưa gió. Thực trạng này khiến Israel nửa mừng nửa lo. Israel mừng vì nhìn thấy chính quyền của kẻ thù chuẩn bị sụp đổ và Iran sắp mất một đồng minh cốt cán.
Nhưng dẫu sao, Israel và chính quyền Assad vẫn tìm thấy điểm chung. Sự bình yên của cao nguyên Golan trong 40 năm qua là một minh chứng. Vấn đề đáng quan tâm đối với Israel là sau khi Tổng thống Assad bị lật đổ, rất có khả năng các tổ chức Hồi giáo cực đoan thuộc phái Sunni cấp tiến sẽ lên nắm quyền ở Syria. Mối uy hiếp mà họ tạo ra đối với Israel có thể còn lớn hơn chính quyền Assad, e rằng khi đó Tel Aviv khó có thể "ngủ" yên.
Do vậy, Israel đã tiến hành không kích Syria. Iran, chính quyền Assad và phong trào vũ trang Hezbollah ở Lebanon đã bị phương Tây xếp thành một trục và đều thuộc phái Hồi giáo Shi'ite. Lâu nay, phong trào vũ trang Hezbollah nhận được sự tài trợ của Iran và Syria, trong đó, hành động cung cấp vũ khí cho phong trào vũ trang Hezbollah của Iran chủ yếu được thực hiện qua con đường Syria. Nói một cách khác, vũ khí được vận chuyển từ Iran sang Syria tới Lebanon để đến tay các chiến binh Hezbollah.
Tình hình Syria xấu đi, vai trò của phong trào vũ trang Hezbollah trở nên quan trọng hơn đối với Tổng thống Assad. Chính quyền Assad có khả năng sẽ chuyển vũ khí hóa học và tên lửa cho đồng minh thân cận của mình. Iran cũng muốn nắm lấy cơ hội này để chuyển tên lửa cho phong trào vũ trang Hezbollah. Một khi nắm trong tay các loại vũ khí lợi hại này, phong trào vũ trang Hezbollah không những giúp chính quyền Assad đối phó với phe chống chính phủ, mà còn làm gia tăng bất ổn trong khu vực thông qua việc tấn công Israel như từng làm trong năm 2006. Chính vì thế, Israel phải ra tay trước.
Cuộc không kích của Israel còn được cho là để hậu thuẫn phe nổi dậy của Syria. Sau cuộc không kích, có tin cho rằng phe nổi dậy đã nã đạn vào trung tâm nghiên cứu Jamraya và tấn công dữ dội một vài trạm kiểm soát quân sự ở thủ đô Damascus. Các phương tiện truyền thông địa phương cũng cáo buộc Israel đã sắp đặt cuộc tấn công kết hợp với phe nổi dậy để không kích Damascus.
Trong bài tường thuật sau cuộc tấn công của Israel, truyền thông quốc gia Syria cho biết: "Israel đã sử dụng các tên lửa của họ để hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố bằng cách tấn công trung tâm nghiên cứu". Truyền thông quốc gia Syria cũng cáo buộc rằng Israel nhằm mục tiêu vào Damascus để hậu thuẫn phe nổi dậy sau thất bại nặng nề trên bộ mới đây của phe này. Naser Qandil, chuyên gia chính trị Lebanon, cho rằng Israel tiến hành cuộc không kích để yểm trợ cho phe nổi dậy tấn công thủ đô Syria.
Bên cạnh đó, rất nhiều chuyên gia chính trị địa phương cho rằng cuộc tấn công của Israel cũng là nhằm để kích động quân đội Syria tiến hành đáp trả quân sự, mà động thái này có thể lôi kéo sự can thiệp quân sự của nước ngoài.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Syria bắt đầu diễn ra, phe đối lập lưu vong của Syria được phương Tây hậu thuẫn luôn mong chờ sự can thiệp quân sự nước ngoài vào Syria dưới danh nghĩa để bảo vệ dân thường. Năm 2012, phe nổi dậy vũ trang ở Syria được hậu thuẫn bởi Mặt trận Nusra cực đoan đã tấn công một vài căn cứ không quân trên khắp cả nước. Phe nổi dậy cũng tấn công các sân bay ở Damascus và thành phố phía bắc Aleppo. Chiến thuật của phe nổi dậy được xem như là nỗ lực nhằm tê liệt lực lượng không quân Syria nhằm ngăn chặn lực lượng này tiến hành các cuộc không kích chống lại thành trì của phe nổi dậy trên khắp cả nước.
Phát biểu với truyền thông Arập, ông Amin Hutait - Chuẩn tướng Lebanon về hưu và là chuyên gia quân sự - cho biết phe nổi dậy thậm chí còn tấn công các căn cứ không quân ở rất xa khu vực xung đột. Ông cho rằng chiến lược tấn công vào các sân bay quân sự là nhằm làm suy yếu khả năng đáp trả của lực lượng không quân Syria trước bất kỳ cuộc xâm lược nào từ bên ngoài.
Sau cuộc không kích đầu tiên của Israel tháng 1/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Syria Fahd Jassem al-Freij cho rằng cuộc không kích của Israel đã hậu thuẫn phe nổi dậy, và rằng "nhóm khủng bố vũ trang" đã mới đây tấn công nhằm vào hệ thống phòng không của Syria trên khắp cả nước theo chỉ thị của Israel để phá hủy các hệ thống này.
Hành động leo thang tấn công của Israel rõ ràng đã khiến chính quyền Assad rơi vào cảnh “họa vô đơn chí” và “tiến thoái lưỡng nan”. Tổng thống Syria Assad không thể cứ lặng im vì điều này sẽ khiến ông mất uy phong, giúp đối phương có cơ hội “được đằng chân lân đằng đầu”.
Tuy nhiên, nếu tiến hành phản đòn theo kiểu "ăn miếng trả miếng”, xung đột sẽ lan rộng và chuốc thêm những đòn tấn công mạnh mẽ hơn của Israel, một cường quốc quân sự ở khu vực Trung Đông. Có lẽ vì thế mà Bộ trưởng Thông tin Syria Omran Zouabi cảnh báo vụ việc trên có thể sẽ gây ra những hậu quả "rất nghiêm trọng", nhưng không nói rõ những biện pháp cụ thể nào mà nước ông sẽ áp dụng để giáng trả.
TTXVN/Tin tức