Nền kinh tế thế giới vừa thoát khỏi khủng hoảng. Sự hồi phục vốn chưa vững chắc đã phải gánh thêm những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, chính sách tiền tệ nới rộng định lượng của Mỹ cũng như hành động phá giá đồng tiền của hàng loạt quốc gia và gần đây là giá dầu tăng cao vì rối ren bạo loạn ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông. Sau cơn siêu động đất ở Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua, người ta lại nói đến khả năng thế giới rơi vào suy thoái lần hai bởi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này sẽ gây ra những tác động dây chuyền khôn lường. Nhưng liệu điều đó có xảy ra?
Thị trường chứng khoán Nhật Bản lao dốc trong phiên 15/3. |
Phải mất nhiều tuần nữa, người ta mới có thể đánh giá được những thiệt hại mà thảm hoạ động đất, sóng thần vào “ngày Thứ Sáu đen tối” vừa qua gây ra cho kinh tế “đất nước Mặt Trời mọc”. Nhưng với Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 65 năm qua ở “xứ sở hoa Anh Đào”. Và đòn giáng đã được thể hiện trong phiên giao dịch đầu tiên sau thảm họa của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Ngày 14/3, lúc đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm tới 6,2%, là mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 12/2008. Một chỉ số chứng khoán khác có tính đại diện hơn là Topix cũng giảm đến 7,6%, là mức giảm lớn nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới vào tháng 8/2008.
Đúng như Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano nhận định: "Trận động đất tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua này sẽ tác động xấu đến nhiều hoạt động kinh tế của Nhật Bản", chỉ riêng việc 11/25 lò phản ứng hạt nhân tại 17 khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất phải dừng hoạt động đã khiến Nhật Bản mất đi từ 25 - 30% sản lượng điện. Thiếu điện không chỉ ảnh hưởng tới đời sống người dân, mà còn đặt nhiều xí nghiệp, nhà máy ở nước này trước nguy cơ không thể hoạt động được. Đối với thế giới, việc nhiều cảng của Nhật Bản phải đóng cửa, các chuỗi phân phối bị gián đoạn nguồn cung, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, đều gây ra ảnh hưởng không nhỏ.
Đó là chưa nói đến việc thảm họa xảy ra vào thời điểm rất khó khăn khi mà phần lớn nguồn cung cấp năng lượng của thế giới đang bị nguy hiểm do tình trạng rối loạn ở Bắc Phi và Trung Đông, nơi chiếm hơn 1/3 lượng dầu sản xuất toàn cầu và Nhật Bản phải nhập khẩu tới trên 80% nhu cầu về năng lượng. Đồng thời, lúc tái thiết, nhu cầu của Nhật Bản về năng lượng, chủ yếu gồm dầu lửa, khí đốt và than đá sẽ tăng lên. Sẽ không có gì đáng nói nếu sự tăng lên về nhu cầu năng lượng của Nhật Bản không diễn ra vào đúng thời điểm nhu cầu xăng dầu toàn cầu có xu hướng tăng. Rõ ràng, kinh tế Nhật Bản đang trong cảnh “họa vô đơn chí”. Trận đại động đất ở Nhật Bản, theo tờ Liên hợp Buổi chiều của Đài Loan (Trung Quốc) không những có thể đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2011 này về mức 0%, mà còn có thể khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào tăng trưởng âm, thậm chí là suy thoái nếu quá trình tái thiết diễn ra quá lâu.
Đòn giáng vào nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới.
Bởi dù đã để tuột vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào tay Trung Quốc, nhưng Nhật Bản vẫn là nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng, nhất là nguồn thu du lịch, kiều hối lớn của nhiều nước trên thế giới, nhất là châu Á. Đặc biệt, sau cơn đại địa chấn ngày 11/3, người ta còn lo ngại về việc các nhà đầu tư Nhật Bản ở nước ngoài vì lo ngại thị trường tài chính Nhật Bản thiếu tiền sẽ ồ ạt bán tài sản ở nước ngoài (chủ yếu là trái phiếu), chuyển tiền về trong nước như đã từng diễn ra sau trận động đất ở Kobe ngày 17/1/1995. Việc này sẽ khiến chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ (nơi nhà đầu tư Nhật Bản mua nhiều trái phiếu) rơi vào rối loạn. Bởi khi người Nhật Bản không mua trái phiếu nữa, họ phải tăng lãi suất trái phiếu, đánh mạnh vào nỗ lực kìm nén lãi suất ở mức thấp bấy lâu để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phục hồi. Nó đồng thời cũng làm cho đồng yên Nhật tăng giá, gây tổn hại tới xuất khẩu (sau trận động đất ở Kobe, trong thời gian ngắn, đồng yên Nhật đã tăng tới 20%).
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã nhìn thấy hi vọng. Rút kinh nghiệm từ sự kiện Kobe năm 1995, ngày 14/3 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã đưa ra quyết định chưa từng có trong lịch sử: Bơm vào thị trường hơn 15.000 tỉ yên và nâng quy mô mua tài sản, trong đó có trái phiếu lên mức 10.000 tỉ yên. Động thái này được cho là đã bắn đi tín hiệu rằng thị trường tài chính Nhật Bản có đủ khả năng thanh khoản, làm giảm dòng tiền chảy mạnh từ bên ngoài vào Nhật Bản. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế còn được trấn an bởi những gì mà người Nhật Bản thể hiện. Trong và sau thảm họa, người Nhật Bản bình tĩnh và kiên trì đi tìm những người thân hay trật tự chờ đợi đến lượt được nhận nhu yếu phẩm. Không hề có dấu hiệu cướp bóc hay bạo lực hay chuyện tăng giá đột biến. Tất cả là vì người Nhật Bản có truyền thống đoàn kết và tinh thần trách nhiệm rất cao.
Trở lại lịch sử, người ta sẽ thấy ngay từ thời xa xưa, người Nhật Bản đã có thói quen làm việc tập thể. Họ đổi công cho nhau để hoàn thành công việc đồng áng nặng nhọc và khó khăn. Lúc mùa màng kết thúc, họ lại cùng nhau tổ chức lễ cảm tạ thần linh. Sợi dây gắn kết cộng đồng mỗi ngày một bền chặt. Và đến Nhật Bản, bạn còn thấy người dân “xứ sở hoa Anh Đào” làm việc hết mình. Họ làm việc cho đến khi hoàn thành mới trở về nhà chứ không có tình trạng canh giờ hoặc thấy gần hết “8 tiếng vàng ngọc” liền làm qua loa cốt cho xong việc. Sức mạnh của tình đoàn kết và tinh thần trách nhiệm đã giúp người Nhật Bản đứng dậy từ hoang tàn chiến tranh và đống đổ nát sau trận động đất ở Kobe. Giờ đây, Nhật Bản lại phải đối mặt với thảm họa trăm năm mới có một lần và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng người Nhật Bản lại tiếp tục sát cánh bên nhau để làm nên một huyền thoại mới.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)