Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ngày 5/6 là thời điểm mà Chính phủ Mỹ có thể cạn kiệt tiền mặt để thanh toán các khoản nợ - kịch bản có thể làm suy yếu đáng kể xếp hạng tín dụng của Mỹ và niềm tin toàn cầu vào đồng USD, mở ra nhiều cơ hội hơn cho Trung Quốc.
“Thế giới đang dõi theo diễn biến này. Chúng tôi coi thị trường tài chính Mỹ là một mỏ neo đối với hệ thống tài chính toàn cầu, và mỏ neo này cần phải bám vào một điều gì đó vững chắc”, bà Georgieva cho biết hôm 26/5 sau đánh giá thường niên của IMF về nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định IMF – quỹ gồm 190 thành viên, một phần quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu – đang ngày càng hướng về phía Đông. Hồi tháng 3, bà Georgieva hoan nghênh Trung Quốc vì có khả năng đóng góp 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, điều mà Bắc Kinh đã thực hiện nhất quán kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Tương tự như cuộc khủng hoảng vào thời điểm 15 năm trước, vốn đã thúc đẩy Bắc Kinh nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, các nhà phân tích cho rằng tình trạng bế tắc về trần nợ kéo dài nhiều tháng của Mỹ, cùng các mối đe dọa tách rời và một loạt các đợt tăng lãi suất liên tiếp của nước này, có thể là thời điểm xác định cho đồng nội tệ của Trung Quốc.
Giáo sư Liang Yan, nhà kinh tế tại Đại học Willamette, bang Oregon của Mỹ, cho biết: “Ổn định tài chính toàn cầu là lợi thế của Trung Quốc, nhưng động thái này có nhất thiết phải do Mỹ dẫn đầu? Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng Mỹ không phải ở vị thế dẫn đầu trong hệ thống này”.
Trong khi đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh – tổng cộng 500 điểm cơ bản trong 14 tháng qua – đang gây ra mối lo ngại cho các thị trường mới nổi. Những thi trường này đã phải cạnh tranh mạnh mẽ để củng cố dự trữ ngoại hối và nền tảng kinh tế để đối phó với tình trạng lạm phát cao.
Khi Trung Quốc phục hồi sau tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, các nhà phân tích lưu ý nước này có một số công cụ – bao gồm đầu tư bằng đồng nhân dân tệ vào các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ với các đối tác thương mại lớn, thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và đa dạng hóa dự trữ phi đô la – điều đó có thể làm “sứt mẻ” trật tự tài chính thế giới do đồng USD định hướng.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng đang chuyển từ mô hình phụ thuộc vào xuất khẩu sang mô hình tập trung hơn vào tiêu dùng trong nước và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu hàng hóa, như dầu mỏ và thực phẩm.
Những tín hiệu này sẽ kéo theo sự thay đổi cơ chế tài chính lấy Mỹ làm trung tâm - trong đó Trung Quốc thu hút đầu tư bằng đồng USD vào các nhà máy định hướng xuất khẩu, sau đó sử dụng USD kiếm được để đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ có lợi suất thấp.
Bà Sun Yun, Giám đốc chương trình Trung Quốc của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington D.C, nhận định đồng nhân dân tệ không thể thay thế đồng USD trong tương lai gần.
Các nhà phân tích tại Ping An Securities cũng cho biết: “Chính phủ Trung Quốc luôn nhấn mạnh việc thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ một cách có trật tự và sẽ không tích cực tìm cách thay thế đồng USD trong thời gian ngắn. Đồng thời, Bắc Kinh sẽ thận trọng hơn trước những rủi ro của việc nhanh chóng mở cửa thị trường tài chính”.
Bắc Kinh đã không đưa ra lộ trình hay thời gian biểu cho tham vọng nhân dân tệ của nước này.
Song các nhà phân tích cho rằng sự thất vọng về các vấn đề trần nợ định kỳ sẽ khiến nền tài chính toàn cầu xa lánh đồng USD - nhưng không hoàn toàn hoặc ngay lập tức.
Trong khi đó, các thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác đang đạt tiến triển, lĩnh vực mà Bắc Kinh có thể tận dụng lợi thế thương mại để nhanh chóng gia tăng nỗ lực sử dụng đồng tiền Trung Quốc.
Tám quốc gia, bao gồm Nga, Brazil, Argentina, Saudi Arabia và Thái Lan, đã chấp nhận đồng nhân dân tệ để thanh toán dầu, khí đốt và nhà máy điện hạt nhân. Động lực đó sẽ tăng lên nhờ các hiệp định thương mại lớn và sự tham gia của Trung Quốc vào nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi).
Theo một số chuyên gia, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ ngày càng tăng sẽ đồng thời làm giảm tích lũy dự trữ USD của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đã đi đầu trong các dự án ở nước ngoài như đường bộ, đường sắt và sân bay trong Sáng kiến Vành đai và Con đường 10 năm tuổi để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đẩy nhanh dòng nhân dân tệ đến hơn 60 quốc gia châu Á, châu Phi, Đông và Trung Âu, Nam Mỹ.
Cuối tuần trước, Tổng thống Joe Biden và Chủ tich Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được “thỏa thuận về nguyên tắc” nhằm nâng trần nợ công, qua đó giúp nước Mỹ tránh được kịch bản vỡ nợ. Thỏa thuận này đã đình chỉ trần nợ cho đến tháng 1/2025, đổi lại việc cắt giảm chi tiêu phi quốc phòng vào năm tới và tăng trưởng chỉ 1% vào năm 2025.
Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ hai của Chính phủ Mỹ, sau Nhật Bản. Nước này nắm giữ khoản nợ trị giá 869,3 tỷ USD trong tháng 3, tăng từ 848,8 tỷ USD trong tháng 2, với trái phiếu Chính phủ Mỹ chiếm khoảng 27% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.
Tháng 3 cũng là thời điểm đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc tăng nắm giữ nợ Mỹ sau 7 tháng cắt giảm khiến mức độ rủi ro của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong gần 13 năm. Khoản đầu tư của Trung Quốc vào trái phiếu kho bạc Mỹ đã đạt đỉnh điểm vào năm 2014 và đã giảm dần kể từ đó.
Cuối tháng trước, Trợ lý nghiên cứu vĩ mô của Dịch vụ Nhà đầu tư Moody’s, ông Gabriel Agostini, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng một hệ thống tiền tệ đa cực hơn sẽ xuất hiện trong vài thập kỷ tới, nhưng nó sẽ được dẫn dắt bởi đồng USD. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi có thể thay đổi nếu niềm tin vào các thể chế của Mỹ suy giảm, các biện pháp trừng phạt kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng “.